Moody's hạ xếp hạng tín nhiệm nợ của Anh do rủi ro từ Brexit không thỏa thuận

10:26' - 17/10/2020
BNEWS Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investor Service ngày 16/10 đã hạ xếp hạng nợ công của Anh xuống một mức, từ Aa2 xuống Aa3.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investor Service ngày 16/10 đã hạ xếp hạng nợ công của Anh xuống một mức, từ Aa2 xuống Aa3, với lý do việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit) làm trầm trọng thêm sự suy yếu của nền kinh tế.

Moody's cho biết, "sức mạnh" kinh tế của Vương quốc Anh đã giảm sút kể từ khi tổ chức này hạ mức xếp hạng nợ của Anh xuống Aa2 vào tháng 9/2017.

Aa3 là nấc thấp trong bậc xếp hạng Aa của Moody's - bậc xếp hạng cho thấy nợ công có chất lượng cao và rủi ro rất thấp.

Bên cạnh việc hạ mức tín nhiệm, Moody’s điều chỉnh đánh giá triển vọng dài hạn nợ công của Anh từ tiêu cực xuống ổn định.

Tổ chức này cũng hạ xếp hạng của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) xuống Aa3 với triển vọng tiêu cực.

Moody’s nhận định, tăng trưởng thấp hơn so với dự kiến và tình hình có khả năng sẽ kéo dài trong tương lai do Anh quyết định rời EU và hai bên không thể đạt được thỏa thuận thương mại sau khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm này cũng lưu ý rằng kinh tế Anh cũng sẽ phải gánh chịu những “di chứng” của đại dịch COVID-19 vốn đã gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế nước này.

Nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới đã chứng kiến mức suy giảm lớn nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trong quý II/2020 và nợ công đã tăng lên tới 2.000 tỷ bảng Anh (2.600 tỷ USD), vượt ngưỡng 100% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Nguyên nhân là do các đợt bùng phát COVID-19 nghiêm trọng, quy mô lĩnh vực dịch vụ của nước này cùng với những tác động của quy định giãn cách xã hội và nguy cơ xuất hiện các làn sóng lây nhiễm tiếp theo.

Cũng trong ngày 16/10, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo nếu EU không thay đổi quan điểm lập trường, các cuộc đàm phán thương mại giữa liên minh này và Anh sẽ kết thúc.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier đề nghị tới London vào tuần sau để tiếp tục các cuộc đàm phán, dù hai bên vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung trong những vấn đề chủ chốt như đánh bắt cá và các nguyên tắc cạnh tranh.

Theo người phát ngôn trên, hiện "trái bóng" đang nằm bên phía EU. Việc ông Bariner tới London vào tuần sau chỉ đạt được đột phá nếu ông chủ động chuẩn bị thảo luận mọi vấn đề.

Động thái này tiếp tục làm cho đồn đoán về khả năng thời điểm “chia tay” thực sự giữa Anh và EU sẽ không diễn ra tốt đẹp.

Brexit không thỏa thuận có nghĩa là thương mại của Anh với EU sẽ dựa trên quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các khoản thuế sẽ được áp đặt theo quy định của tổ chức này khiến giá cả hàng hóa tăng đáng kể.

Moody’s cho biết, ngay cả khi hai bên đạt được một thỏa thuận thương mại vào cuối năm nay, thương mại giữa hai nước vẫn có thể bị thu hẹp về phạm vi và do đó Brexit, theo quan điểm của Moody’s, sẽ tiếp tục gây áp lực làm giảm đầu tư tư nhân và tăng trưởng kinh tế.

Ngay cả trước cú sốc do COVID-19 gây ra, tăng trưởng năng suất thấp liên tục kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, cùng với tình hình đầu tư kinh doanh ảm đạm kể từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit vào tháng 6/2016, đã đè nặng lên tăng trưởng của nước Anh.

Đồng bảng Anh trong phiên giao dịch 16/10 đã có thời điểm giảm xuống dưới mức 1 bảng đổi 1,29 USD khi thị trường phản ứng trước phát biểu của Thủ tướng Boris Johnson rằng nước Anh cần chuẩn bị cho kịch bản Brexit không kèm thỏa thuận thương mại trong bối cảnh EU "không đàm phán nghiêm túc"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục