Moody’s và Fitch đưa ra nhận định về thỏa thuận trần nợ công của Mỹ

10:19' - 21/01/2023
BNEWS Các cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s và Fitch nhận định Quốc hội Mỹ có thể sẽ đạt được thỏa thuận về trần nợ mới.
Các cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s và Fitch nhận định Quốc hội Mỹ có thể sẽ đạt được thỏa thuận về trần nợ mới trước khi Bộ Tài chính nước này cạn nguồn lực để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ.

 
Song các cơ quan cũng cảnh báo rằng tình trạng bế tắc chính trị kéo dài cuối cùng có thể ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm của Mỹ.

Chính phủ Mỹ đã chạm tới giới hạn vay 31.400 tỷ USD vào ngày 19/1 trong bối xảy ra cảnh bất đồng giữa Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát với đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã thông báo với các nhà lãnh đạo Quốc hội rằng Bộ này đã bắt đầu sử dụng các biện pháp đặc biệt để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ cho đến ngày 5/6.

Báo cáo ngày 19/1 của Moody’s cho hay trong một môi trường chính trị cực kỳ khó khăn, cơ quan này dự đoán các bên sẽ chỉ đạt được một thỏa thuận khi đã rất muộn, làm gia tăng khả năng gây biến động trên thị trường tài chính

Moody’s cho biết họ hy vọng tình trạng bế tắc về trần nợ công sẽ được giải quyết trước khi xảy ra tình trạng lỡ hạn thanh toán. Và nếu Quốc hội Mỹ không đạt được thỏa thuận về giới hạn nợ, Moody’s tin Chính phủ Mỹ vẫn có khả năng tiếp tục đáp ứng các nghĩa vụ trả nợ đúng hạn và đầy đủ.

Ông Richard Francis, một quản lý cấp cao của Fitch Ratings, cũng bày tỏ mong đợi các bên đi đến một thỏa thuận trước cái gọi là ngày X - chỉ thời điểm chính phủ cạn kiệt tiền mặt và khả năng vay mượn. Điều này đã từng xảy ra vài lần trong thập kỷ qua.

Vị quản lý cấp cao nói thêm nếu chính phủ không thể thanh toán một số nghĩa vụ nợ, điều đó sẽ không phù hợp với những gì Fitch mong đợi từ xếp hạng AAA.

Trong lưu ý của mình, Moody's cho biết mặc dù khó có khả năng xảy ra việc Mỹ trả lãi chậm, nhưng họ sẽ coi đó là một sự kiện vỡ nợ.

Moody's cho biết khả năng hạ bậc xếp hạng của Chính phủ Mỹ là hạn chế do khả năng trả nợ của họ. Nhưng nếu điều đó thành hiện thực, việc hạ bậc có thể sẽ ảnh hưởng đến xếp hạng của những người đi vay khác như các công ty và tổ chức tài chính có tiếp xúc với xếp hạng tín nhiệm của Chính phủ Mỹ.

Những bế tắc lập pháp định kỳ về giới hạn nợ trong thập kỷ qua phần lớn đã được giải quyết trước khi chúng có thể lan ra thị trường. Tuy nhiên, kịch bản đó không phải lúc nào cũng xảy ra: một bế tắc chính trị kéo dài hồi năm 2011 đã khiến Standard & Poor's (S&P) lần đầu tiên hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ, khiến thị trường tài chính chao đảo.

Các cơ quan xếp hạng Moody's và Fitch đều xếp hạng AAA cho Mỹ - mức xếp hạng tín nhiệm cao nhất mà họ có thể chỉ định cho người đi vay. Xếp hạng của S&P dành cho Mỹ là AA+, mức cao thứ hai của cơ quan này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục