Moskva sẽ làm gì để hóa giải lệnh trừng phạt của phương Tây?

07:45' - 10/09/2015
BNEWS Nga lập kế hoạch giải cứu nền kinh tế thoát khỏi ảnh hưởng do lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, bao gồm hạn chế các tổ chức mua ngoại tệ và cố định giá một số mặt hàng.
Báo Thương gia Nga số ra mới đây cho biết cố vấn của Tổng thống Vladimia Putin, ông Sergey Glazyev, soạn thảo một báo cáo các biện pháp khắc phục ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine. Được biết, báo cáo trên sẽ được đệ trình trong cuộc họp của ủy ban liên bộ về an ninh kinh tế - xã hội của Hội đồng An ninh Nga ngày 15/9.

Các đề xuất của ông Glazyev liên quan tới chính sách tiền tệ - tín dụng, ổn định tỷ giá, bình ổn giá, cũng như các chính sách về thanh toán nợ tư nhân của Nga. Cố vấn của Tổng thống Nga cũng đề nghị áp "thuế tạm thời" hoạt động chuyển đổi và thanh toán qua biên giới. Ngoài ra, ông Glazyev kêu gọi cấm các tổ chức phi tài chính vay ngoại tệ và thực thi quy định bắt buộc bán các khoản thu từ ngoại tệ.

Để bình ổn giá, theo ông Glazyev, cần tạm cố định giá các mặt hàng thiết yếu hàng ngày, thiết lập "trần" 25% giữa giá của nhà sản xuất và bán lẻ, cũng như trao cho Cơ quan liên bang chống độc quyền (FAS) quyền nhanh chóng xác lập giá trong trường hợp giá hàng hóa dao động.

Trong phần đặc biệt để "hóa giải các biện pháp trừng phạt chống Nga", ông Glazyev đề xuất cho phép các công ty Nga từ chối trả nợ các nước đã áp đặt trừng phạt tài chính Nga.

Cố vấn cho nguyên thủ quốc gia Nga khuyến cáo chuyển đổi tiền trong Quỹ dự trữ và Quỹ phúc lợi quốc gia sang vàng và trái phiếu của khối các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới BRICS - gồm Brazil (Bra-xin), Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

Cùng với BRICS, ông Glazyev đề xuất lập hệ thống thanh toán ngân hàng quốc tế, thay cho SWIFT (Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế). Theo ông, nên loại trừ khả năng chuyển các doanh nghiệp "chiến lược" vào tay người nước ngoài - trong trường hợp các doanh nghiệp đó phá sản, ông muốn thành lập các "doanh nghiệp nhân dân". 

Trước đó, trợ lý của Tổng thống Putin thừa nhận dự trữ ngoại tệ của Nga không cho phép nhà chức trách can thiệp để nâng đỡ đồng ruble (rúp). Chính phủ Nga từng cho biết các biện pháp trừng phạt trả đũa của Moskva đã dẫn đến gia tăng đột biến giá cả và giảm chất lượng sản phẩm ở Nga.

Nga từng là "ngôi sao" trong số các thị trường mới nổi, với mức tăng trưởng hàng năm đạt khoảng 7%. Tuy nhiên, sự sa sút của nền kinh tế đã lộ diện kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Dấu hiệu giảm tốc của nền kinh tế Nga thậm chí xuất hiện trước khi Moskva đương đầu với các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây.

Ngoài ra, một số yếu kém mang tính cơ cấu khác như thị trường lao động và thị trường vốn thiếu linh hoạt, cũng cản trở đà tăng trưởng của kinh tế Nga.

Trong dự báo mới nhất, Ngân hàng trung ương Nga dự báo rằng, nếu kịch bản lạc quan nhất đối với thị trường dầu mỏ diễn ra, nền kinh tế nước này sẽ suy giảm 3,2% năm 2015, trước khi đạt mức tăng trưởng 0,7% vào năm 2016 và có thể chỉ đạt mức tăng trưởng trung bình 1,5% vào năm 2017.

Duy Trinh – Minh Trang

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục