Một doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu cá nóc

18:09' - 09/01/2019
BNEWS Theo đề án, sản lượng cá nóc thu mua tại Khánh Hòa khoảng 500 - 600 tấn/năm, qua đó cho sản lượng sản phẩm cá nóc xuất khẩu từ 200 - 240 tấn, với giá trị xuất khẩu ước đạt 6 tỷ đồng.

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định phê duyệt và cho phép doanh nghiệp tư nhân Phước Thọ (trụ sở tại thành phố Nha Trang) thực hiện đề án khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá nóc bảo đảm an toàn thực phẩm.

Mục tiêu của đề án là tổ chức quản lý hoạt động khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá nóc của tỉnh Khánh Hòa từng bước vào khuôn khổ, chuẩn hoá về tính pháp lý, tính khoa học và tính an toàn cho người dân, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lợi cá nóc.

Bên cạnh đó đề án sẽ thực hiện kiểm soát cá nóc không để thất thoát ra ngoài phạm vi đề án trong suốt quá trinh tổ chức đánh bắt, bảo quản, chế biến xuất khẩu; tận thu được nguồn cá nóc khai thác không chủ đích, tăng thêm thu nhập cho ngư dân. Ngoài ra, đề án còn đặt ra mục tiêu sử dụng nội tạng cá nóc để nghiên cứu chiết xuất, sản xuất dược phẩm ứng dụng trong y học.

Theo đề án, sản lượng cá nóc thu mua tại Khánh Hòa khoảng 500 - 600 tấn/năm, qua đó cho sản lượng sản phẩm cá nóc xuất khẩu từ 200 - 240 tấn, với giá trị xuất khẩu ước đạt 6 tỷ đồng.

Địa điểm thu mua cá nóc được ấn định tại các cảng cá: Hòn Rớ, Vĩnh Lương (thành phố Nha Trang), Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh), Ba Ngòi (thành phố Cam Ranh) và phải được giám sát bởi cán bộ chuyên ngành.

Ngoài việc không được phép đưa sản phẩm ra tiêu thụ tại thị trường nội địa, doanh nghiệp tham gia đề án có trách nhiệm xây dựng chương trình, nội dung và tổ chức đào tạo đội ngũ người lao động trực tiếp đánh bắt, dịch vụ hậu cần thu gom và chế biến cá nóc xuất khẩu về các kiến thức đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là cách phân loại, nhận biết cá nóc độc và không độc, cá nóc không bảo đảm an toàn thực phẩm để chế biến, xuất khẩu.

Điều kiện bắt buộc với các tàu cá là phải được cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và cấp mã số tham gia chuỗi cá nóc xuất khẩu. Chủ tàu và người lao động trên tàu cá phải là những đối tượng đã được cấp chứng chỉ đào tạo về kỹ thuật nhận biết, phân loại cá nóc, phương pháp bảo quản cá nóc trên tàu.

Sản phẩm cá nóc đánh bắt được trên tàu không được làm thực phẩm cho thuyền viên đi trên tàu, chỉ được bán cá nóc (với kích cỡ, màu sắc, loài theo quy định đã được thỏa thuận trong hợp đồng với cơ sở thu mua) cho tàu thu mua trên biển hoặc cơ sở thu mua được chọn tham gia thực hiện Đề án.

Mỗi lô hàng cá nóc xuất khẩu phải được đăng ký, kiểm tra chứng nhận theo đúng quy định của Việt Nam và thị trường xuất khẩu. Việc lấy mẫu, phân tích độc tố Tetrodotoxin là bắt buộc đối với từng lô sản phẩm cá nóc trước khi xuất khẩu. Khâu xử lý phế liệu, phế thải trong quá trình chế biến cá nóc, phải đảm bảo không độc hại đến người dân và môi trường xung quanh.

Theo một số tài liệu khoa học, ở Việt Nam có gần 40 loài cá nóc biển; phân tích độc tố trên 35 loài cá nóc có 14 loài chưa phát hiện thấy độc và 21 loài chứa độc với mức độ khác nhau. Chất độc của cá tập trung ở da, ruột, gan, cơ bụng, túi tinh và nhiều nhất ở trứng cá.

Tuy phần lớn các loại cá nóc có chứa độc tố, nhưng ở một số quốc gia, cá nóc được sử dụng làm thực phẩm vì thịt khá ngon.

Tại Nhật Bản, cá nóc được dùng làm nguyên liệu chế biến những món ăn cao cấp. Có khoảng gần 40 loài cá nóc được sử dụng để chế biến món ăn ở Nhật Bản và lượng cá tiêu thụ có thể lên đến 10.000 tấn mỗi năm./.

>>> Các chuỗi liên kết mang lại thành công cho ngành thủy sản

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục