Một dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam không chọn được nhà đầu tư

16:38' - 02/05/2020
BNEWS 7/8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đã có tối thiểu 2 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển. Theo kế hoạch, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phát hành hồ sơ mời thầu cho các nhà đầu tư trong tháng 5/2020.

Theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, sau khi chuyển đổi từ đấu thầu quốc tế sang đấu thầu rộng rãi nhà đầu tư trong nước, đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành bước sơ tuyển nhà đầu tư của 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Trong đó, có 7 dự án có tối thiểu 2 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển gồm: Mai Sơn – Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Phan Thiết - Dầu Giây. Còn lai, một dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết không có nhà đầu tư qua sơ tuyển.

Bộ Giao thông Vận tải cho hay, đối với 7 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc Nam đã có nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, theo quy định của Luật Đấu thầu, sẽ tiếp tục triển khai bước đấu thầu.

Theo kế hoạch, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phát hành hồ sơ mời thầu cho các nhà đầu tư trong tháng 5/2020, thời gian tối thiểu theo quy định để triển khai giai đoạn đấu thầu khoảng 6 tháng.

Trường hợp đấu thầu thành công dự kiến sớm nhất có thể lựa chọn được nhà đầu tư khoảng đầu tháng 11/2020, tiếp theo là giai đoạn đàm phán ký kết hợp đồng trong tháng 12/2020 và bắt đầu triển khai thi công từ đầu năm 2021.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thông tin thêm, để đảm bảo tiến độ triển khai theo yêu cầu của Quốc hội, tại Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28/3/2018 của Chính phủ về Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 quy định: “Nhà đầu tư vi phạm hợp đồng trong trường hợp 6 tháng không ký được hợp đồng tín dụng với ngân hàng, tổ chức tín dụng để huy động vốn vay theo quy định và triển khai dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng và hợp đồng hết hiệu lực”.

Do đó, trường hợp lựa chọn được nhà đầu tư trong năm 2020 cũng chưa thể khẳng định có thể triển khai ngay các dự án thành phần PPP trong năm 2021. Trường hợp nhà đầu tư không huy động được nguồn vốn tín dụng, Bộ Giao thông Vận tải phải hủy hợp đồng và Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đối với dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (Vĩnh Hảo - Phan Thiết), Bộ Giao thông Vận tải cho biết, theo quy định tại Nghị quyết 52/2017/QH14 của Quốc hội, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Được biết, dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có chiều dài 110 km. Mặc dù khối lượng giải phóng mặt bằng rất lớn (thu hồi 775 ha đất, lập hồ sơ cho 1.977 hộ dân bị ảnh hưởng; xây dựng 4 khu tái định cư...), đến nay tỉnh Bình Thuận đã hoàn thành phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (đạt 100%); diện tích đất được người dân bàn giao cho địa phương quản lý đủ điều kiện triển khai thi công đạt gần 90%...

Theo Bộ Giao thông vận tải, dự án cao tốc Bắc - Nam dài 654km, được chia thành 11 dự án thành phần, gồm 3 dự án đầu tư công (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - Lam Sơn, cầu Mỹ Thuận 2), còn lại 8 dự án thực hiện theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT. Dự án có tổng mức đầu tư 102.513 tỷ đồng, gồm 51.702 tỷ đồng vốn BOT và 50.812 tỷ đồng vốn Nhà nước./.

>>Sớm bàn giao mặt bằng dự án đường cao tốc Bắc-Nam qua Bình Thuận

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục