Một số vấn đề kinh tế cần cân nhắc trong Dự thảo Luật Hợp tác xã

14:45' - 30/05/2023
BNEWS Ngày 30/5, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) tổ chức buổi công bố kết quả nghiên cứu với chủ đề “Một số vấn đề kinh tế cần cân nhắc trong Dự thảo Luật Hợp tác xã”.
Công bố kết quả nghiên cứu với chủ đề “Một số vấn đề kinh tế cần cân nhắc trong Dự thảo Luật Hợp tác xã” của VESS. Ảnh: Hằng Trần

Tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cho biết, Luật Hợp tác xã hiện hành được Quốc hội khóa XIII thông qua vào kỳ họp thứ 4 năm 2012 và bắt đầu có hiệu lực từ 1/7/2013 cho đến nay đã đi vào cuộc sống được gần 10 năm. Mục tiêu chính của Luật Hợp tác xã là khuyến khích loại hình hợp tác giữa người lao động, nâng cao vị thế người lao động và hiệu quả kinh tế xã hội thông qua sự hợp tác tự nguyện giữa các cá nhân, thoát ly dần khỏi mô hình hợp tác xã truyền thống, không còn phù hợp.

Trong gần một thập kỷ tồn tại, việc thực thi Luật Hợp tác xã đã bộc lộ nhiều hạn chế, cho thấy khu vực này vẫn chưa phát triển đúng tiềm năng đáp ứng nhu cầu chính đáng của người lao động cũng như loại hình kinh doanh - sản xuất phù hợp với phương thức hợp tác bình đẳng này. Thêm vào đó, xuất hiện thực tế là nhiều cá nhân, tổ chức đã lợi dụng chính sách ưu đãi của nhà nước đối với loại hình hợp tác xã, núp bóng hợp tác xã để trục lợi.

Theo kết quả nghiên cứu công bố về  “Một số vấn đề kinh tế cần cân nhắc trong Dự thảo Luật Hợp tác xã” cho thấy, Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 7 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.

Liên hiệp hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 4 hợp tác xã tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu chung của hợp tác xã thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý liên hiệp hợp tác xã.

Khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phát triển đến trình độ cao hơn thì sẽ hình thành các doanh nghiệp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; doanh nghiệp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Đối với hợp tác xã, vốn góp của thành viên thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của điều lệ nhưng không quá 20% vốn điều lệ của hợp tác xã. Đối với liên hiệp hợp tác xã, vốn góp của hợp tác xã thành viên thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của điều lệ nhưng không quá 30% vốn điều lệ của liên hiệp hợp tác xã…

 

Tại báo cáo công bố đã đóng góp một số điểm sửa đổi của dự thảo Luật Hợp tác xã 2023 so với Luật Hợp tác xã 2012. Cụ thể, tại Điều 22 về chính sách thuế, phí và lệ phí, Tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được hưởng mức ưu đãi thuế, ưu đãi phí và lệ phí cao nhất trong cùng lĩnh vực, ngành, nghề và địa bàn theo pháp luật về thuế, phí và lệ phí.

Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với: thu nhập từ giao dịch nội bộ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; thu nhập của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khi hoạt động tham gia liên kết với cá nhân, tổ chức khác hình thành chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành, gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức vì mục tiêu phát triển bền vững; trường hợp khác theo quy định pháp luật.

Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập hình thành quỹ chung không chia, phần thu nhập hình thành tài sản chung không chia của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Miễn, giảm lệ phí trước bạ đối với cá nhân, tổ chức khi chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định pháp luật về phí và lệ phí.

Báo cáo cũng đóng góp Chính phủ quy định chi tiết Điều 73 về góp vốn điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Cụ thể: phần vốn góp của thành viên chính thức thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của Điều lệ nhưng không thấp hơn vốn góp tối thiểu và không quá vốn góp tối đa là 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã và 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã. Tổng phần vốn góp của tất cả thành viên liên kết góp vốn thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của Điều lệ nhưng không quá vốn góp tối đa là 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã và 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã…..

Tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Thành khẳng định vai trò của khu vực hợp tác xã là loại hình tổ chức kinh tế dựa trên sự chi phối của con người (lao động) chứ không phải vốn (tư bản) như trong mô hình công ty. Sự chi phối của tư bản mang tính phổ biến trong nền kinh tế hiện đại, được coi như gắn liền với sở hữu tư nhân (kinh tế tư nhân), còn sự chi phối dựa trên lao động được coi như gắn liền với sở hữu tập thể (kinh tế tập thể). Hơn nữa loại hình tổ chức (hợp tác xã và công ty) cùng tồn tại song song, có thể chiếm ưu thế tùy theo lĩnh vực và đặc thù công nghệ. Về cơ bản, loại hình công ty đối vốn (tổ chức dựa trên tư bản) chiếm ưu thế trong kỷ nguyên hiện đại (chủ nghĩa tư bản).

Toàn cảnh buổi công bố kết quả nghiên cứu với chủ đề “Một số vấn đề kinh tế cần cân nhắc trong Dự thảo Luật Hợp tác xã” của VESS. Ảnh: Hằng Trần

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (DCRD) cho biết, hợp tác xã (hoặc kinh tế tập thể) đã luôn tồn tại trong nền kinh tế hiện đại, với những ưu điểm của nó. Không nhất thiết đó phải là một chỉ dấu của Chủ nghĩa xã hội, mà đơn giản, đó là một loại hình ưu việt trong một số hoàn cảnh (điều kiện, lĩnh vực, quy mô, mong đợi cá nhân...). Hợp tác xã chỉ có thể vận hành hiệu quả về kinh tế - xã hội khi các xã viên đạt tới một trình độ văn hóa dân chủ cao, các quy chế về công khai - minh bạch được thực hành phổ biến và đầy đủ.

Vì vậy, việc duy trì và luật hóa loại hình hợp tác xã cần dựa trên đặc tính của mô hình này, như một sự phát triển tự nhiên, hữu cơ trong nền kinh tế nói chung, không nên gò ép về vai trò xã hội, không kỳ vọng quá mức, không quản lý quá mức (đánh mất sự bình đẳng)./.

>>>Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục