Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới

18:44' - 25/05/2023
BNEWS Chiều 25/5, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi); thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

*Bảo đảm thống nhất, đồng bộ với tên gọi dự án Luật

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 21 và các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; ngày 21/4/2023 đã được gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội theo quy định.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật hiện nay gồm 12 chương với 115 điều, tăng 4 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và đã cơ bản đáp ứng được quan điểm, mục tiêu, yêu cầu đặt ra khi sửa đổi Luật…

Về tên gọi của dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, giữ nguyên tên gọi của dự án Luật là Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung tại các điều, khoản và thiết kế lại bố cục, kết cấu của dự thảo Luật bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phù hợp với tên gọi của dự án Luật.

Liên quan đến việc thể chế hóa nội dung 8 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, rà soát và chỉnh lý quy định về nguyên tắc, tiêu chí, nguồn vốn thực hiện chính sách, trong đó khẳng định một trong những nguyên tắc thực hiện chính sách là triển khai đồng bộ với Chương trình tổng thể về phát triển kinh tế tập thể, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước ở từng thời kỳ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chưa luật hóa các nội dung về liên đoàn hợp tác xã tại dự thảo Luật theo đúng chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW về việc “nghiên cứu, xây dựng thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã hoạt động chuyên môn hóa cao trong một số ngành, lĩnh vực”.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và bổ sung các quy định về điều kiện tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài trở thành thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, điều kiện về tổng số thành viên chính thức, số lượng thành viên Hội đồng quản trị, vốn góp tối đa và điều kiện thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Đồng thời tiếp thu, chỉnh lý quy định tại Điều 73 về tài sản góp vốn, tương tự như quy định về tài sản góp vốn tại Luật Doanh nghiệp năm 2020; bổ sung một số quy định mang tính đặc thù đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; rà soát, chỉnh lý và bổ sung các quy định về kiểm toán hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã tại Điều 105 và Điều 106 theo hướng khuyến khích thực hiện kiểm toán nội bộ tại hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; đề nghị chỉ bắt buộc phải kiểm toán độc lập đối với một số hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mà trong hoạt động tài chính tiềm ẩn rủi ro như hợp tác xã quy mô lớn, liên hiệp hợp tác xã có từ 10 thành viên trở lên…
 

*Dự thảo Luật tiếp thu nhiều ý kiến xác đáng

Thảo luận Hội trường về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), các đại biểu cơ bản tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) bày tỏ thống nhất cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; ghi nhận dự thảo Luật đã tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ nhiều ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội.

Liên quan đến thể chế hóa chính sách phát triển hợp tác xã theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, đã được tiếp thu, trong đó có điều khoản dành riêng cho hợp tác xã nông nghiệp.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, nên quy định thêm cơ chế để giúp hợp tác xã nông nghiệp tích tụ tập trung đất đai sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; hình thành chuỗi chế biến, phân phối sản phẩm nông nghiệp và hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP.

Về Quỹ phát triển hợp tác xã, đại biểu Mai Văn Hải cho rằng, cần phải quy định rõ hơn. “Đối với Quỹ phát triển hợp tác xã ở Trung ương, nên giao cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam quản lý. Đối với Quỹ phát triển hợp tác xã ở địa phương, nên giao cho Liên minh hợp tác xã ở các tỉnh quản lý”, đại biểu Mai Thanh Hải đề nghị.

Về chuyển nhượng phần vốn góp đối với thành viên của hợp tác xã (điều 79), đại biểu Mai Văn Hải bày tỏ thống nhất với phương án 1. Theo đó, ngoài việc ưu tiên cho thành viên hợp tác xã nhận chuyển nhượng, có thể quy định, nếu thành viên hợp tác xã không nhận chuyển nhượng thì có thể quy định cho thành viên chuyển nhượng ra ngoài. Đây cũng là một điều kiện để hợp tác xã nâng cao chất lượng thành viên.

Đồng quan điểm về vấn đề chuyển nhượng vốn góp của hợp tác xã, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) tán thành phương án 1, quy định chuyển nhượng giữa thành viên hiện hữu và các cá nhân tổ chức chưa phải là thành viên.

Đại biểu Thạch Phước Bình cũng lưu ý đối với quy định mới được bổ sung vào dự thảo Luật lần này. Khoản 4 Điều 79 dự thảo Luật quy định: Phần vốn góp mà thành viên cá nhân, tổ chức nhận chuyển nhượng sở hữu sau khi hoàn thành giao dịch chuyển nhượng không thấp hơn vốn góp tối thiểu và không vượt quá vốn góp tối đa theo quy định của Luật này và điều lệ.

Theo đại biểu, quy định này phù hợp với điều kiện ngày càng phát triển của nền kinh tế, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo sự bình đẳng, quyền tự do của các thành viên hợp tác xã.

Nêu ý kiến về tiêu chí thụ hưởng chính sách tại Điều 18, đại biểu Hà Sỹ Huân (Bắc Kạn) đề nghị nghiên cứu rõ tiêu chí không vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm tại khoản 2 Điều 7 của Luật này để có cách hiểu thống nhất khi thực hiện.

Đại biểu cũng nêu băn khoăn, khi vi phạm các hành vi nghiêm cấm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, hợp tác xã cũng như liên hiệp hợp tác xã sẽ bị xử lý theo quy định. Tuy nhiên, với trường hợp đã bị xử lý vi phạm và hết thời điểm xử lý, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có được xem như chưa vi phạm và được coi là tiêu chí để xem xét thụ hưởng chính sách hay không?

Về chính sách thuế, phí quy định tại Điều 22, đại biểu Hà Sỹ Huân cho rằng, các chính sách được quy định trong Luật chưa thể hiện được sự khác biệt, ưu tiên cho tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã so với các loại hình doanh nghiệp, ví dụ như liên quan đến ưu đãi về miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung các quy định về chính sách ưu đãi đặc biệt hơn đối với tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN
* Tháo gỡ vướng mắc, bất cập, đáp ứng yêu cầu thực tế

Phát biểu giải trình làm rõ một số nội dung trong dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Việc xây dựng và ban hành Luật lần này hy vọng sẽ tháo gỡ được những vướng mắc, bất cập để mô hình kinh tế này phát triển, đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Về nội dung vốn góp của các thành viên hợp tác xã, qua nghiên cứu các ý kiến, Chính phủ trình Quốc hội phương án 1 nhằm bảo đảm quyền tự do, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân; bảo đảm nguyên tắc mở trong tham gia, rút khỏi hợp tác xã như thông lệ quốc tế, tránh tình trạng thành viên góp bằng đất đai, nhà xưởng khi rút ra thì ảnh hưởng đến hoạt động và sự tồn tại của cả hợp tác xã.

Để tránh làm sai lệch bản chất mô hình hợp tác xã, dự thảo Luật đã quy định về tỷ lệ vốn góp tối đa của các thành viên. Các thành viên cũng phải tôn trọng các nguyên tắc, chấp hành những tôn chỉ của hợp tác xã. Đối với trường hợp có thể dẫn đến chi phối, thâu tóm hợp tác xã, Bộ trưởng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thiết kế thêm điều khoản ngăn chặn trường hợp này. Với những quy định chặt chẽ, nghiên cứu kỹ lưỡng, Chính phủ kiến nghị các đại biểu Quốc hội đồng thuận theo phương án 1.

Đối với việc tham gia hợp tác xã của người nước ngoài, dự thảo Luật đã có quy định chặt chẽ để thu hút được sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, tranh thủ nguồn lực nhưng vẫn ngăn chặn hiệu quả việc chi phối, thâu tóm; đó là việc giới hạn tỷ lệ góp vốn không được quá 30%. Bộ trưởng cho rằng, đây là cơ chế mở, cần đảm bảo thông thoáng, thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài trong vấn đề phát triển kinh tế hợp tác.

Về tổ chức thực hiện, để nhanh chóng đưa chính sách của Luật vào cuộc sống, Bộ trưởng cho biết, cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị những nội dung nghị định, thời gian tới, mong các đại biểu Quốc hội tiếp tục đồng hành để các văn bản quy phạm pháp luật này được chặt chẽ, khả thi. Về xây dựng chương trình tổng thể phát triển kinh tế tập thể và một số vấn đề khác, Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai và sẽ có báo cáo với Quốc hội.

Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong phiên thảo luận Hội trường, đã có 15 đại biểu phát biểu, 1 đại biểu tranh luận. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giải trình làm rõ một số ý kiến. Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và tham gia nhiều ý kiến có chất lượng, đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn chỉnh dự án Luật như: Quy định về cụ thể hóa 8 nhóm chính sách của Nghị quyết 20, các điều kiện chuyển đổi tổ hợp tác thành hợp tác xã; quy định về thành viên hợp tác xã; việc quản lý tài sản, tài chính; hoạt động cho vay nội bộ; điều kiện về vốn, số lượng thành viên…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét đầy đủ các ý kiến, chỉ đạo cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan tiếp thu để hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét thông qua./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục