Một tuần khởi sắc trên sàn chứng khoán Mỹ

11:15' - 02/11/2019
BNEWS Bất chấp hai phiên đi xuống trong tuần, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn ghi nhận một tuần khởi sắc, nhờ tín hiệu tích cực trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung và số liệu khả quan về tình hình kinh tế.
Các giao dịch viên tại sàn giao dịch chứng khoán ở New York, Mỹ, ngày 24/12. Ảnh: THX/TTXVN

Tính chung cả tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,44%, chỉ số S&P 500 tăng 1,47%, ghi dấu tuần tăng thứ tư liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng Hai. Trong khi chỉ số Nasdaq tăng 1,74%, tuần tăng thứ năm liên tiếp.

Trong phiên đầu tuần (28/10), sắc xanh bao phủ Phố Wall, trong đó chỉ số S&P 500 đạt kỷ lục mới, nhờ tâm lý lạc quan về các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung và báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp tích cực.

Chốt phiên này, chỉ số S&P 500 tăng 0,6% lên mức cao kỷ lục mới 3.039,42 điểm, cao hơn mức đỉnh 3.027,98 điểm đã thiết lập vào ngày 26/7 vừa qua. Trong số 206 công ty thuộc S&P 500 đã công bố kết quả cho đến sáng 28/10 có đến 80% thông báo lợi nhuận vượt kỳ vọng của các nhà phân tích, theo dữ liệu từ FactSet.

Lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang nỗ lực nhằm nhất trí về văn bản của thỏa thuận thương mại "Giai đoạn 1" mà hai bên tuyên bố đạt được ngày 11/10 vừa qua.

Tổng thống Mỹ, Donald Trump từng hy vọng hai bên ký kết thỏa thuận này vào tháng 11/2019 bên lề Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Chile.

Dự kiến, nội dung trong thỏa thuận thương mại "Giai đoạn 1" giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và ngân hàng.

Sau khi đi xuống trong phiên ngày 29/10 khi thị trường chờ đợi quyết định chính sách của Fed, chứng khoán Phố Wall lấy lại đà tăng trong phiên giao dịch ngày 30/10, sau quyết định cắt giảm lãi suất của Fed.

Ngày 30/10, sau hai ngày họp tại thủ đô Washington DC, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản 0,25% điểm phần trăm, từ biên độ 1,75-2% xuống còn 1,5-1,75%. 

Đây là lần thứ ba Fed hạ lãi suất trong năm nay nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế Mỹ do tốc độ tăng trưởng chậm của nền kinh tế toàn cầu, lạm phát dưới mục tiêu và những bất ổn do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kéo dài.

Theo Chủ tịch Fed Jerome Powell, cuộc chiến thương mại và sự thiếu chắc chắn của tiến trình Brexit đã đè nặng lên hoạt động đầu tư kinh doanh, song kinh tế Mỹ vẫn "kiên cường".

Ông Powell nhấn mạnh Fed hạ lãi suất để giúp kinh tế Mỹ vững mạnh khi đối mặt với diễn tiến mới trên toàn cầu và cung cấp “bảo hiểm” chống lại những nguy cơ có khả năng xảy ra.

Sang phiên giao dịch ngày 31/10, chứng khoán Mỹ quay đầu giảm, giữa lúc những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc xuất hiện trở lại và giới đầu tư bi quan trước thông tin về suy thoái kỹ thuật của kinh tế Hong Kong (Trung Quốc).

Theo Bloomberg, nhiều chuyên gia cho rằng các quan chức Trung Quốc hoài nghi về một thỏa thuận thương mại dài hạn với Mỹ và điều này được xem là yếu tố gây tác động hạn chế trong các cuộc thỏa thuận thương mại giữa hai bên.

Bên cạnh đó, số liệu thống kê sơ bộ của chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) cho thấy, tăng trưởng kinh tế của trung tâm tài chính châu Á này trong quý III/2019 đã giảm 3,2% so với quý trước đó.

Đây là quý giảm thứ hai liên tiếp, đồng nghĩa với việc kinh tế Hong Kong rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật trong quý III/2019 . Các số liệu trên cho thấy kinh tế Hong Kong đang trải qua tình cảnh tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Tuy nhiên, trong phiên cuối tuần (1/11), chứng khoán Mỹ phục hồi mạnh mẽ sau báo cáo lạc quan về thị trường việc làm Mỹ. Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 300,86 điểm (1,11%) lên 27.347,09 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 29,36 điểm (0,97%) lên 3.066,92 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 94,04 điểm (1,13%) lên 8.386,40 điểm.

Báo cáo mới nhất công bố ngày 1/11 của Bộ Lao động Mỹ cho thấy thị trường việc làm tại nước này vẫn khá “khỏe mạnh”  trong tháng 10/2019, do những thiệt hại từ cuộc đình công kéo dài tại hãng sản xuất ô tô General Motors (GM) được bù đắp bằng việc gia tăng tuyển dụng ở những lĩnh vực khác.

Cụ thể, lĩnh vực phi nông nghiệp đã tăng thêm 128.000 việc làm vào tháng trước, trong khi lĩnh vực chế tạo giảm 36.000 việc làm - mức cao nhất kể từ tháng 10/2009. Nhìn chung, số liệu trên vẫn lạc quan hơn so với dự báo của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters là 89.000 việc làm.

Chiến lược gia Jeff Kravetz thuộc U.S. Bank Wealth Management, có trụ sở tại Phoenix (Mỹ), nhận định số liệu tích cực về thị trường việc làm là một dấu hiệu cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế và tạo tâm lý thoải mái cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, thống kê về thị trường lao động cũng làm “lu mờ” báo cáo cho hay lĩnh vực chế tạo thu hẹp tháng thứ ba liên tiếp.

Ngoài ra, tiến triển tích cực trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung cũng là nhân tố hỗ trợ thị trường chứng khoán Mỹ. Theo Tân Hoa Xã, Phó Thủ tướng, Trưởng đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc Lưu Hạc đã có cuộc điện đàm với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin trong ngày 1/11.

Hai bên đã tiến hành thảo luận "nghiêm túc và mang tính xây dựng" về những vấn đề thương mại "cốt lõi" và đạt được đồng thuận về mặt nguyên tắc.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục