Mua bán qua sàn giao dịch hàng hóa mang lại lợi thế gì doanh nghiệp?

19:34' - 12/01/2024
BNEWS Các chuyên gia cho biết, mua bán hàng hóa qua sàn là một hình thức kinh doanh mang lại nhiều lợi thế cho nền kinh tế và doanh nghiệp.

Chiều ngày 12/1, tại Hội thảo "Mua bán qua sở giao dịch hàng hóa - Giải pháp kinh doanh bền vững, nhân bội lợi nhuận" do Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, các chuyên gia cho biết, mua bán hàng hóa qua sàn là một hình thức kinh doanh mang lại nhiều lợi thế cho nền kinh tế và doanh nghiệp.

 

Đồng thời, sàn giao dịch hàng hóa giúp giảm thiểu rủi ro cho cả người bán lẫn người mua do có vai trò trung gian của các sở giao dịch.

Theo ông Phạm Hải Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, với sàn giao dịch hàng hóa thì doanh nghiệp có thể giao dịch nhanh chóng bằng phương thức điện tử nên chỉ cần ngồi một chỗ vẫn có thể buôn bán với toàn thế giới, cũng như yên tâm sản xuất, kinh doanh mà không lo sự biến động giá cả của thị trường. Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp hoặc nhà đầu tư có thể tham gia kinh doanh, đầu tư hàng hóa phái sinh.

Cùng với sự phát triển thương mại trên thế giới, giao dịch qua các Sở Giao dịch hàng hóa luôn sôi động và tăng trưởng cao, có giai đoạn vượt qua thị trường chứng khoán. Hiện nay, giá trị giao dịch hàng hóa qua sàn giao dịch hàng hóa chiếm 24% tổng khối lượng giao dịch của các sản phẩm trên thế giới, riêng khu vực châu Á chiếm 56%.

Tại Việt Nam, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (VNX) được Bộ Công Thương thành lập năm 2010. Với Nghị định số 51/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua sàn giao dịch hàng hóa của Thủ tướng Chính phủ, hành lang pháp lý cho hoạt động mua bán theo hình thức này đã thực sự thông thoáng như các sàn giao dịch quốc tế.

Cụ thể, ông Nguyễn Quốc Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty CP Gia Cát Lợi, Thành viên Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam chia sẻ, hoạt động giao dịch thông qua Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam trong những năm gần đây đã có nhiều biến chuyển với 26 mặt hàng thuộc năm nhóm hàng hóa được giao dịch và kết nối 8 Sở giao dịch hàng hóa lớn trên thế giới.

Tính đến hết tháng 8/2023, đã có hơn 30.000 tài khoản đăng ký và thực hiện giao dịch. Riêng thống kê của 8 tháng năm 2023, giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên đạt 4.000 tỷ đồng, phiên cao điểm đạt 9.500 tỷ đồng.

Còn Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng đánh giá, Sở Giao dịch hàng hóa có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế thị trường, thị trường tài chính và thị trường nông sản. Điển hình, trong bối cảnh giá trị sản xuất nông sản và thực phẩm gia tăng mạnh cần phát triển các loại hình giao dịch nông sản hiện đại.

Tuy nhiên, để đẩy mạnh phát triển Sở Giao dịch hàng hóa nói chung, sàn giao dịch nông sản nói riêng cần chuẩn hóa sản xuất nông sản, hệ thống tổng kho – giao nhận logistics để hoàn chỉnh chuỗi giá trị nông sản. Bên cạnh đó, sàn giao dịch nông sản phải đặt tại Trung tâm tài chính quốc gia (Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh) mới thu hút lực lượng đầu tư tài chính trong nước và quốc tế.

Đồng quan điểm, một số chuyên gia khác chỉ ra rằng, phải có sản phẩm giao dịch nông sản Việt Nam để tạo ra những lợi ích thật sự về giao dịch hàng hóa nông sản cho nông dân, nhà sản xuất, nhà thương mại Việt Nam. Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam cho thấy đã sẵn sàng triển khai giao dịch nông sản để Sở Giao dịch hàng hóa phát huy lợi ích cho nền kinh tế, nông nghiệp và nông dân.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục