Mua bán sáp nhập tại Việt Nam tập trung nhóm ngành nào?

11:42' - 11/05/2017
BNEWS Mua bán sáp nhập đã và đang diễn ra sôi nổi và trở nên phổ biến, nhất là trong lĩnh vực phân phối lưu thông, bán lẻ lại càng diễn biến đa dạng và phức tạp.
Tập huấn "Kiểm soát tập trung kinh tế trong lĩnh vực phân phối lưu thông". Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
 Nhằm tuyên truyền pháp luật cạnh tranh đến cộng đồng doanh nghiệp cũng như tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có điều kiện trao đổi với cơ quan quản lý nhà nước, ngày 11/5 tại Hà Nội, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội tổ chức tập huấn "Kiểm soát tập trung kinh tế trong lĩnh vực phân phối lưu thông".

Theo ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, quan hệ thương mại ngày càng được tự do hóa và mở rộng đã có những tác động không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Nam cho biết, một trong số đó là hiện tượng tập trung kinh tế và hoạt động mua bán sáp nhập đã và đang diễn ra sôi nổi và ngày càng trở nên phổ biến, nhất là trong lĩnh vực phân phối lưu thông, bán lẻ lại càng diễn biến đa dạng và phức tạp.

Bà Phan Vân Hằng, Phòng Giám sát và Quản lý cạnh tranh (Cục Quản lý cạnh tranh) cho biết, trong số các vụ việc tập trung kinh tế đã được Cục Quản lý cạnh tranh xem xét, các vụ việc tập trung kinh tế theo hình thức mua bán sáp nhập doanh nghiệp chiếm đa số.

Phân loại theo nhóm cho thấy hoạt động mua bán sáp nhập tại Việt Nam tập trung trong một số nhóm ngành chính như: Công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống; phân phối bán lẻ, kinh doanh bất động sản và thông tin truyền thông.

Cùng đó, các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế thuộc mọi thành phần kinh tế, từ doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, liên doanh đến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, vẫn tập trung chủ yếu là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp dẫn đầu trong các ngành, lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam và các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới.

Do vậy, Cục Quản lý cạnh tranh đã tích cực thực hiện nhiệm vụ theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế, để ngăn chặn kịp thời và giảm thiểu tác động tiêu cực của một số giao dịch tập trung kinh tế tới thị trường.

Cùng với đó, Cục Quản lý cạnh tranh đã thụ lý nhiều vụ việc thông báo tập trung kinh tế và rất nhiều vụ việc tham vấn về tập trung kinh tế trước và trong quá trình các doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế.

Đánh giá từ các chuyên gia, sau một thời gian khá dài thực thi Luật Cạnh tranh, việc kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các hành vi phạm cạnh tranh trên thị trường.

Số lượng các vụ việc tập trung kinh tế thông báo và xin tham vấn ngày càng tăng đã cho thấy, ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp đã được nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra hạn chế lớn nhất trong việc kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế tại Việt Nam, đó là việc số lượng các vụ việc tập trung kinh tế được thông báo tới Cục Quản lý cạnh tranh vẫn còn tương đối ít so với thực tế trên thị trường.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó nguyên nhân đầu tiên phải kể đến chính là do quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ thông báo đối với các giao dịch tập trung kinh tế.

Ngoài ra, việc phối hợp quản lý các vụ việc tập trung kinh tế giữa các cơ quan nhà nước hiện nay còn chưa tốt. Các cơ quan quản lý chuyên ngành và cơ quan cạnh tranh chưa xây dựng được cơ chế phối hợp tốt trong việc kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế trên thị trường và trong từng lĩnh vực.

Trong nhiều vụ việc, các cơ quan quản lý chuyên ngành, đã cho phép các doanh nghiệp thực hiện hoạt động sáp nhập và không tham vấn ý kiến của cơ quan quản lý cạnh tranh.

Đại diện Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng, mặc dù nhà nước đã có rất nhiều nỗ lực trong kiểm soát tập trung kinh tế thông qua việc ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng, nhưng từ thực tiễn thực thi đã nảy sinh nhiều vấn đề gây ra những khó khăn cho các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Chính vì thế, nhà nước cần hoàn thiện các văn bản pháp lý để tạo một khung pháp lý vững chắc và đầy đủ làm công cụ hữu hiệu để thực hiện quản lý nhà nước về tập trung kinh tế cũng như để bảo vệ nền kinh tế khỏi những rủi ro./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục