Sáp nhập các sở tại Hà Nội: Chất lượng công việc sẽ hiệu quả hơn?

14:35' - 06/04/2017
BNEWS Vấn đề đặt ra là sau khi sáp nhập liệu rằng công việc có hiệu quả hơn không, công việc có được thông suốt không hay lại sinh ra nhiều cấp quản lý dẫn đến ảnh hưởng đến chất lượng công việc.
Sáp nhập các sở tại Hà Nội: Chất lượng công việc sẽ hiệu quả hơn? Ảnh minh họa: TTXVN.

Những ngày này dư luận ở Hà Nội từ quán trà đá đến bàn nghị sự đều bàn nhiều đến đề xuất của Bội Nội vụ về việc sáp nhập các: Sở Giao thông vận tải, Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc... Dư luận Thủ đô cho rằng dù sáp nhập hay vẫn giữ nguyên cũng phải đặt hiệu quả công việc lên hàng đầu.

Là một doanh nghiệp chuyên xây dựng các công trình nhà ở trên địa bàn Hà Nội, anh Nguyễn Văn Đức cho biết, rất đồng tình với chủ trương của Chính phủ cho sáp nhập một số sở có chức năng cũng như nhiệm vụ liên quan nhau thành một đầu mối. Việc này giúp doanh nghiệp, người dân không phải đi lại nhiều lần mỗi lần phải giải quyết các công việc liên quan.

Lấy dẫn chứng cho sự chưa thuận tiện hiện nay mỗi khi doanh nghiệp xin xây dựng công trình, anh Đức nói: Chúng tôi sẽ phải sang sở Quy hoạch xin thông tin về ô đất, xin giấy phép quy hoạch, sau đó sang Sở Xây dựng xin giấy phép xây dựng, sang Sở Giao thông vận tải để xin cấp phép sử dụng hè phố...

Mỗi lần như vậy phải chạy đi chạy lại quá nhiều lần, trong đường xá của Hà Nội lúc nào cũng đông đúc. Di chuyển từ sở này sang sở kia cũng mất cả nửa ngày, khi đến lại phải chờ đợi, dẫn đến chậm tiến độ, hiệu quả kinh tế của dự án không cao.

Đồng tình với quan điểm trên, anh Hồ Viết Thắng ở quận Ba Đình chia sẻ, Chính phủ nhiệm kỳ này đặt ra mục tiêu, liêm chính, kiến tạo phục vụ. Vì thế việc sáp nhập các sở giúp cho người dân được tiếp cận nền hành chính một cách thuận lợi mỗi khi có việc liên quan.

Tôi rất ủng hộ chủ trương sáp nhập các sở. Khi các sở liên quan được gộp làm một có sự "liên thông" với nhau, sẽ không còn tình trạng vừa xây xong lại đào lên trên các tuyến đường, tránh quan điểm "quyền anh, quyền tôi" trong quản lý nhà nước ở mỗi lĩnh vực. Quan trọng nữa, khi sáp nhập sẽ không phình bộ máy, tiết kiệm được chi tiêu công cho nhà nước ở trong nhiều lĩnh vực: văn phòng, hành chính, xăng xe...

Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về việc hợp nhất một số sở. Nhiều ý kiến đề nghị cần nghiên cứu và bàn thảo kỹ vấn đề này vì hiện nay chức năng hoạt động của các sở khác nhau và chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong chia sẻ dữ liệu. Nếu thực hiện hợp nhất thì người quản lý phải có trình độ ở tầm cao, có phương pháp kỹ năng quản lý tốt mới có thể đảm đương được công việc.

Hiện nay tốc độ đô thị hóa ở Hà Nội diễn ra mạnh mẽ, không chỉ có phát triển hạ tầng giao thông, vận tải mà lĩnh vực nhà ở quy hoạch, quản lý chung cư xây mới và xuống cấp còn quá nhiều việc còn bất cập. Vậy mà hiện nay gộp tất cả các lĩnh vực trên thành một đầu mối liệu công việc có trôi chảy hay lại rối rắm, sinh nhiêu khê.

Lo ngại về việc sáp nhập sẽ thành một "sở khủng", khối lượng công việc lớn, hiệu quả công việc không cao, ông Vũ Đức Bảo, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho biết, lãnh đạo thành phố cơ bản thống nhất và đang trình Chính phủ và Bộ Nội vụ là không thống nhất việc sáp nhập, do thành phố có đặc thù riêng về công việc ở lĩnh giao thông vận tải, xây dựng, quy hoạch.

Nhìn nhận ở góc độ pháp lý, Tiến sỹ Phạm Đình Tuyển, nguyên Trưởng bộ môn Kiến trúc - Công nghệ Đại học Xây dựng cho rằng, bản chất lĩnh vực giao thông công chính trước đây là một sở, quản lý các lĩnh vực: giao thông vận tải, nhà ở, cảnh quan kiến trúc, chiếu sáng, công viên, cây xanh, vệ sinh và nghĩa trang.

Sau đó được tách ra thành Sở Giao thông và Xây dựng. Vì vậy việc sáp nhập hai sở làm một không có gì đáng lo ngại. Vấn đề đáng quan tâm là việc "kết dính" công việc giữa hai sở một cách nhuần nhuyễn để phục vụ nhân dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Công khai mọi thứ rõ ràng hơn để nhân dân giám sát, hơn nữa thời điểm này đang là cuộc cách mạng lần thứ 4, vì vậy cần áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin nhằm giảm bớt bộ may. Về việc sáp nhập, cũng cần tính toán tới đặc thù của địa phương, nhất là đối Hà Nội - một đô thị rộng lớn, có nhiều vấn đề nóng được dư luận quan tâm.

Nói về tâm tư của mình trước dự định sáp nhập sở, một nhân viên thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội bày tỏ, chúng tôi không quá trong quan trọng việc tồn tại hay sáp nhập. Vì ở sở nào, hay tên gọi gì mình vẫn phải làm những công việc chuyên môn đặc thù, để phục vụ nhân dân.

Vấn đề đặt ra là sau khi sáp nhập liệu rằng công việc có hiệu quả hơn không, đời sống anh em thế nào, công việc có được thông suốt không hay lại sinh ra nhiều cấp quản lý dẫn đến ảnh hưởng đến chất lượng công việc.

Qua tìm hiểu thấy được, việc chuyện hợp nhất các sở, ngành là vấn đề lớn quan trọng, cần có sự bàn thảo kỹ càng, thấu đáo. Cần thiết phải làm rõ mục đích của việc sáp nhập, hoặc chỉ ra những tồn tại của mô hình cũ.

Và trên hết, phải đạt được mục tiêu là giúp tinh gọn bộ máy, giảm bớt trùng lặp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, giúp tiết kiệm chi tiêu công. Điều dư luận Thủ đô quan tâm nhất chính là hiệu quả công việc sau hợp nhất./.

Xem thêm:

>> Sáp nhập các sở ngành tại TPHCM: Cần xem xét các yếu tố đặc thù

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục