Mưa "vàng" giải nhiệt cho ĐBSCL giữa cao điểm hạn mặn

13:23' - 13/04/2020
BNEWS Sau nhiều tháng nắng nóng gây hạn hán, xâm nhập mặn tại Bến Tre, sáng 13/4 cơn mưa kéo dài hơn một giờ trên toàn tỉnh Bến Tre giải “cơn khát” cho hàng nghìn hecta dừa, cây ăn trái, cây giống.

Ông Nguyễn Văn Sáu, người dân ở xã Tân Thiềng (huyện Chợ Lách) cho biết, đây thự sự là "cơn mưa vàng" tại thời điểm hiện nay, vì tình trạng nước mặn, hạn hán kéo dài ảnh hưởng hơn 8.000 m2 đất trồng cây sầu riêng của gia đình.

Ông Sáu chia sẻ, mấy tháng nay nước mặn bao phủ toàn bộ hệ thống sông trên địa bàn, người dân không có nước ngọt để tưới cho cây trồng. Cây sầu riêng của gia đình ông bị thiếu nước tưới bắt đầu rụng lá, khô héo. Mặc dù ông đã chủ động trữ nước ngọt, mua thêm nước ngọt từ nơi khác để tưới cho cây nhưng vẫn không đủ.

Chị Nguyễn Thị Nga (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách) tâm sự: "Tôi đã tranh thủ hứng nước, trữ lại để tưới cho hơn 30 nghìn cây giống. Hơn 3 tháng qua, mỗi ngày gia đình tôi tốn rất nhiều tiền để mua nước ngọt tưới cho cây. Nếu trời tiếp tục mưa thì người dân nơi đây có đủ nước tưới cho cây".

Theo ông Phạm Anh Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách, toàn huyện có hơn 10 nghìn hecta đất trồng cây ăn trái và sản xuất cây giống. Thời gian qua, hạn mặn ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất của người dân.

Người dân phải tốn thêm nhiều chi phí để chở nước ngọt về tưới cho cây. Cơn mưa tạo nguồn nước "giải khát" kịp thời cho vùng sản xuất của người dân.

Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, cho biết, cơn mưa đầu mùa tưới mát cho hơn 72 nghìn hecta dừa, gần 30 nghìn hecta vườn cây ăn trái, cây giống, hàng trăm nghìn vật nuôi (bò, dê, gà, lợn...) của người dân.

Bên cạnh đó, cơn mưa làm giảm độ mặn tại các kênh rạch, mương vườn. Tuy nhiên theo ông Đức, chưa biết mùa mưa sẽ đến hay nắng nóng trở lại, do đó người dân không được chủ quan và phải luôn chủ động trữ nước để phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong thời gian tới.

Sau nhiều ngày nắng nóng gay gắt, sáng 13/4, cơn mưa lớn trên diện rộng, kéo dài hơn 3 giờ trên địa bàn tỉnh An Giang, góp phần giải hạn và làm cho thời tiết dịu mát trở lại. Đây được xem như "cơn mưa vàng”, làm dịu đi cái nắng gay gắt, oi bức giữa cao điểm hạn mặn.

Theo ông Lưu Văn Ninh, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang, đây là cơn mưa lớn và dài nhất trong gần hai tháng trở lại đây. Đặc biệt, cơn mưa đến đúng vào thời điểm An Giang đang chịu cái nắng gay gắt 38-39 độ C, kéo dài nhiều ngày qua; nhiều địa phương trong tỉnh đã phải chống chọi với đợt nắng nóng lịch sử, nhiều kênh mương, sông rạch khô cạn nước, cây cối, hoa màu thiếu nước ngọt, cuộc sống người dân gặp không ít khó khăn.

Đặc biệt, "cơn mưa vàng” đã giúp gần 17.000 ha rừng của tỉnh An Giang đang ở tình trạng đối mặt với mức cảnh báo cháy rừng cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm, được “hạ hỏa” kịp thời, giảm được cấp độ, nguy cơ cháy.

Theo nhiều nông dân tại các địa phương trong tỉnh An Giang, cơn mưa cung cấp nước tưới kịp thời cho các ruộng lúa Hè Thu mới xuống giống, cũng như các vườn cây ăn trái, rau màu, giảm được chi phí bơm nước tưới tiêu và công lao động.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang, thời điểm này tại An Giang chưa phải là đầu mùa mưa, do đó, người dân cần chủ động ứng phó với khô hạn, nhiễm mặn, cháy rừng, nhất là bảo vệ tốt ruộng, vườn để tránh thiệt hại.

“Mưa trái mùa thường đi kèm với dông sét, gió lớn và lốc xoáy, nhân dân cần gia cố lại nhà cửa để hạn chế tốc mái, đổ sập; khi trú mưa nên vào nhà, tuyệt đối không trú mưa dưới những gốc cây cao hay cột điện… đề phòng sét”- Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang lưu ý./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục