Mùa vàng Ý Tý

06:31' - 04/10/2016
BNEWS Ý Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) đẹp nhất vào mùa lúa chín (tháng 9, 10) với những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ xứng đáng là công trình “sáng tạo vĩ đại” của tộc người Mông và Hà Nhì.

Ý Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) là "thương hiệu” du lịch nổi tiếng với du khách trong và ngoài nước, là nơi thỏa mãn đam mê khám phá của dân phượt hay những tay săn ảnh chuyên nghiệp.

Vùng đất này đẹp nhất vào mùa lúa chín (tháng 9, 10) với những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ xứng đáng là công trình “sáng tạo vĩ đại” của tộc người Mông và Hà Nhì. Không chỉ vậy, cộng đồng người Hà Nhì nơi đây còn lưu giữ được lễ cúng rừng "Gạ Ma Do" mang sắc thái tâm linh vô cùng độc đáo và nhân văn.

Ý Tý là một xã vùng cao, cách thành phố Lào Cai chừng 80 km. Tương tự các địa phương khác trong tỉnh, huyện Bát Xát với đặc thù địa hình đồi núi hiểm trở, độ dốc lớn, khí hậu khắc nghiệt, có nhiều khe suối, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc canh tác của đồng bào.

Những thửa ruộng như những nấc thang lên trời. Ảnh: Thu Hương - TTXVN

Để thích nghi, người dân địa phương đã kiến tạo nên những thửa ruộng như những nấc thang lên trời. Từ đời này qua đời khác, cộng với dân số tăng, việc khai khẩn, ruộng bậc thang ngày càng được mở rộng, xếp chồng lên nhau tầng tầng, lớp lớp ôm trọn cả một miền sơn cước, tạo nên một kỳ quan thiên nhiên hũng vĩ.

Ruộng bậc thang có ở hầu hết huyện Bát Xát, nhưng đẹp nhất là ở Ý Tý - “vùng đất sương mù". Nằm trên độ cao khoảng 2.000m, ruộng bậc thang ở Ý Tý trải dài trên những triền đồi, sườn núi.

Không bạt ngàn như Mù Cang Chải nhưng ruộng bậc thang Ý Tý lại nên thơ với mây trời núi non. Không ít du khách khi đặt chân lên đây vừa ngạc nhiên vừa thích thú vì giữa vùng thâm sơn cùng cốc lại có những thửa ruộng bậc thang đẹp đến nao lòng.

Ý Tý đẹp cả 4 mùa. Vào mùa đông, nơi đây hút hồn du khách bởi biển mây bồng bềnh bao quanh những sườn núi, tạo nên khung cảnh huyền ảo như cõi bồng lai. Ý Tý khi mùa xuân vào độ “chín” cũng là mùa hoa đỗ quyên.

Trong các loài hoa ở Ý Tý, có lẽ đỗ quyên là loài hoa có sức mê hoặc lớn nhất. Loài hoa thân gỗ chỉ mọc trong rừng sâu, nơi âm u hiểm trở, thung lũng hun hút, vách đá cheo leo, quanh năm mây mù bao phủ. Đỗ quyên như thách thức với sự khắc nghiệt của tự nhiên, cứ lặng lẽ nở hoa giữa rừng già, tỏa hương trong mưa mù, sương lạnh.

Sau giấc ngủ dài mùa đông xuân, sang hè, thu, ruộng bậc thang ở đây như nàng công chúa được đánh thức mới bừng tỉnh khoác trên mình chiếc áo mới được dệt nên bởi bàn tay lao động chăm chỉ của người nông dân vùng cao một nắng hai sương.

Tháng 5, 6 khi những cơn mưa mùa hè bắt đầu trút xuống núi, nước được dẫn từ núi vào các ruộng bậc thang. Mỗi nấc thang như một thác nước nhỏ xíu tràn vào các thửa ruộng làm cho đất khô cằn trở nên mềm mại hơn và nở ra giúp bà con có thể cấy lúa. Đây cũng là thời điểm người dân xuống đồng cày cấy chuẩn bị cho một vụ mùa mới.

Khi ấy, những thửa ruộng bậc thang lấp lánh được ví như những “chiếc gương giữa trời”. Màu nâu đất, màu loang loáng của nước cùng ánh mặt trời, màu xanh của mạ non… tạo nên một bức tranh đẹp mê mẩn níu giữ chân du khách.

Mùa vàng ở Y Tý (Bát Xát). Ảnh: Thu Hương - TTXVN

Tháng 9, 10, sắc thu trải vàng trên các sóng lúa trập trùng kéo dài bất tận, xen kẽ là những nếp nhà lợp gỗ - một minh chứng cho sự kỳ công khéo léo của bà con dân tộc trong quá trình cải tạo thiên nhiên tạo nên phong cảnh vô cùng ngoạn mục.

Vừa qua, ruộng bậc thang Thể Pả của Ý Tý với diện tích 233,1 ha đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích quốc gia danh lam thắng cảnh.

Không chỉ sở hữu một "di sản văn hóa vật chất đặc biệt" (theo đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ), Ý Tý còn lưu giữ được nét truyền thống văn hóa thấm đẫm màu sắc tâm linh nhưng vẫn chứa đầy hơi thở hiện thực, đó là Lễ cúng rừng để bảo vệ rừng thiêng được gọi là "Gạ Ma Do" của người Hà Nhì.

Dù thiên nhiên không ưu đãi, nhưng ở Ý Tý người Hà Nhì đã làm được điều lớn lao, đó là gìn giữ rừng xanh cho hiện tại và cho muôn đời sau...

Lễ cúng rừng “Gạ Ma Do” được người Hà Nhì duy trì tổ chức thường niên vào ngày Thìn tháng Giêng âm lịch hàng năm. Đây là nghi lễ đặc biệt quan trọng, nhằm cầu bình an, năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu; cầu cho địa phương, đất nước ngày càng phát triển, nhà nhà ấm no, hạnh phúc; cùng với đó là các quy ước, luật tục giữ và bảo vệ rừng thiêng.

Trong đời sống người Hà Nhì, rừng rất quan trọng, bởi họ cho rằng thần rừng che chở cho bản làng, cung cấp cho con người thịt chim thú và rau quả. Dù người Hà Nhì chỉ có 8 thôn (bản), chiếm 54,2% dân số của cả xã Ý Tý, nhưng bản nào cũng có một khu rừng thiêng để thờ thần rừng - vị thần bảo hộ cho cả làng.

Người Hà Nhì quan niệm rằng: Rừng và cây rừng, con thú trong rừng đều có sinh mạng, có đời sống như con người; trong mỗi khu rừng đều có một vị thần trị vì, con người với cây, với thú trong rừng đều có quan hệ họ hàng, một số loài động thực vật còn là vật tổ của các dòng họ.

Thế nên, dù lên với Ý Tý chỉ thời gian ngắn, nhưng mọi du khách đều cảm nhận được dẫu còn nghèo, người Hà Nhì đều ý thức được rừng là tài sản chung và không vô tận, nên ngay cả việc khai phá đất rừng canh tác cũng nằm trong giới hạn.

"Mọi người ý thức lắm, nếu có thiếu thì cũng chỉ vào rừng xin phát tỉa các cành cây, nhặt củi rơi vãi thôi chứ không ai dám xâm hại đến rừng", ông Ly Giờ Có, Bí thư Đảng ủy xã Ý Tý cho biết.

Tả Giàng Phình (Sa Pa) vào mùa lúa chín. Ảnh: Thu Hương - TTXVN

Rõ ràng, trong lúc mỗi ngày, các phương tiện thông tin đại chúng phát đi những thông điệp về suy thoái rừng, như xẻ thịt rừng, đốt rừng làm rẫy, săn bắt động vật hoang dã, đặc sản thịt thú rừng…, xảy ra ở nhiều địa phương thì với việc xem “rừng là tổ tiên”, là “thần”, là “thiêng liêng” của người Hà Nhì thật đáng trân trọng.

Cùng với ruộng bậc thang Thung lũng Thề Pả, di sản văn hóa phi vật thể Lễ cúng rừng Gạ Ma Do của người Hà Nhì đã trở thành sản phẩm văn hóa đặc thù trong kế hoạch xây dựng thương hiệu cho du lịch khám phá của huyện Bát Xát nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung.

Việc công nhận Di tích quốc gia ruộng bậc thang thung lũng Thề Pả và di sản văn hóa phi vật thể “Gạ Ma Do” góp phần nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch; tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch Bát Xát, thu hút các nhà đầu tư, từng bước khai thác và phát triển du lịch địa phương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục