Mỹ: Các thị trường có thể thiếu chuẩn bị cho cú sốc lạm phát mang tính chu kỳ

15:19' - 01/06/2021
BNEWS Những lo ngại về lạm phát đã làm nổ ra tranh cãi lớn trên các thị trường, nhất là với những số liệu gần đây cho thấy chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng lõi vượt so với dự báo.

Những lo ngại về lạm phát đã làm nổ ra tranh cãi lớn trên các thị trường, nhất là với những số liệu gần đây cho thấy chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động) mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) theo dõi trong tháng Tư tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt so với dự báo.

Quan điểm phổ biến hiện nay là lạm phát tăng hoàn toàn mang tính tạm thời, do lạm phát yếu trước khi đại dịch bùng phát, giá năng lượng tăng tạm thời và việc chuyển địa điểm tạm thời khi có quá nhiều lĩnh vực mở cửa cùng lúc.

Thông thường, sau các cuộc suy thoái, đặc biệt là sau một cuộc suy thoái sâu như cuộc suy thoái do đại dịch COVID-19, lạm phát vẫn thấp.

Tuy nhiên, điều đáng nhớ là đó không phải là một cuộc suy thoái điển hình vào cuối chu kỳ. Thay vì vậy, thị trường rất có thể sẽ bỏ qua đợt tăng giá mang tính chu kỳ sắp tới và thiếu sự chuẩn bị cho một cú sốc lạm phát mang tính chu kỳ.

Lạm phát ngoài dự kiến là một rủi ro với nhiều nhà đầu tư, những người có thể đã ít đầu tư vào các tài sản thực và các tài sản nhạy cảm với lạm phát khác.

Nguyên nhân đầu tiên gây lo ngại là những điều kiện ban đầu về lạm phát khá mạnh, đặc biệt là trong bối cảnh các điều kiện về nguồn cung bị thắt chặt.

Thay vì giảm mạnh như trong các cuộc suy thoái trước, lạm phát cơ bản tại Mỹ chỉ giảm nhẹ trong năm 2020, và chỉ số chung về sức ép giá cả tăng trong năm.

Kể từ quý IV/2020, giá hàng hóa tăng 30% hoặc hơn. Kết quả là, lạm phát có thể tăng đáng kể.

Việc chuyển sang mua sắm trực tuyến, làm việc từ xa và những thay đổi khác trong xã hội khi dịch bùng phát cũng khiến các doanh nghiệp dừng kinh doanh, giảm công suất chung.

Trong khi đó, tình trạng thiếu lượng hàng dự trữ một cách bất thường đã diễn ra trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Mỹ, khi nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực thực hiện các đơn hàng.

Nguyên nhân thứ hai phản ánh đà phục hồi nhanh của các thị trường lao động tại Mỹ, với tốc độ nhanh kỷ lục.

Khi nền kinh tế tiếp tục phục hồi, các doanh nghiệp đang nỗ lực tuyển đủ lao động và tỷ lệ thất nghiệp ở mức 6,1% dù xét theo tiêu chí nào cũng là thấp.

Thông thường, tỷ lệ thất nghiệp sẽ phải mất 2-4 năm sau khi suy thoái kết thúc mới quay về mức như hiện nay. Tuy nhiên, trong năm 2020, con số này là 8 tháng.

Trong khi đà phục hồi mạnh góp phần giải thích tại sao thị trường việc làm được thắt chặt, các xu hướng hiện nay diễn ra trong bối cảnh dân số già hóa và tăng trưởng dân số trong độ tuổi lao động là chậm nhất trong 70 năm.

Nguyên nhân thứ ba là lĩnh vực hàng hóa ít được đầu tư trong những tháng gần dây, cho thấy các điều kiện về nguồn cung trong các hoạt động sản xuất khâu cuối quan trọng này có thể thắt chặt hơn trong năm 2021 khi nhu cầu tăng.

Lĩnh vực khai mỏ là một ví dụ, khi có những dấu hiệu cho thấy đà tăng gần đây của giá quặng sắt đang thúc đẩy hoạt động đầu tư.

Tương tự, tiêu thụ dầu mỏ hiện vượt khoảng 2 triệu thùng/ngày so với sản lượng, các công ty khai thác đang đưa các giàn khoan trở lại hoạt động chậm.

Giá hàng hóa tăng không phải là điều bất ngờ, với giá nguyên liệu thô tăng đưa đến sức ép lạm phát trong những tháng tới.

Nguyên nhân thứ tư là công suất trên toàn cầu cũng bị thắt chặt hơn, một phần do các đợt cắt giảm nguồn cung ở Trung Quốc, khiến công suất dư thừa của các nhà sản xuất nước này ở mức thấp. Do đó, Trung Quốc có thể ít trở thành một nguồn gây sức ép giảm phát toàn cầu hơn trước đây.

Cuối cùng là những người Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu và có thu nhập thấp có thể tăng chi nhờ Đạo luật về kế hoạch cứu trợ người Mỹ.

Trong khi đó, nhu cầu tại Trung Quốc, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng và nhà ở, cùng với tăng trưởng dự kiến vẫn mạnh trong năm 2021, làm giảm rủi ro về giảm phát./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục