Mỹ cần các chính sách kinh tế có quy mô nhằm đối phó với COVID-19

05:00' - 25/03/2020
BNEWS Nước Mỹ hiện đang phải đối mặt với những nguy cơ có thể trở thành cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ Đại khủng hoảng những năm 1930.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo bài viết nhận định của chuyên gia kinh tế đăng trên trang mạng the Hill, nước này cần hành động ngay lập tức với quy mô lớn nhằm bảo vệ sức khỏe người dân cũng như nền kinh tế.

Khó có thể dự đoán mức độ nghiêm trọng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, cũng như rất khó có thể tưởng tượng được mức độ tàn phá của đại dịch này đối với nền kinh tế. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy gần 1/5 các gia đình Mỹ cho biết, họ đã mất việc làm hoặc bị giảm giờ làm do sự bùng phát của dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra.

Ông Kevin Hassett, cựu Chủ tịch Hội đồng cố vấn Nhà Trắng, nhận định khoảng 1 triệu việc làm sẽ bị mất trong tháng này và thị trường chứng khoán đã giảm hơn 30% so với mức cao ghi nhận gần đây. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng GDP quý I/2020 xuống 0% và ước tính Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) trong quý II sẽ giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà kinh tế cảnh báo rằng đại dịch có thể gây ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.

Mỹ đang phải đối mặt với mối đe lớn đối với kinh tế bởi những biện pháp nước này đưa ra nhằm hạn chế sự lây lan của virus như yêu cầu người dân ở nhà chắc chắn sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế. Ngày 23/3, các Thống đốc bang Wisconsin Tony Evers và Michigan Gretchen Whitmer thông báo về các yêu cầu "an toàn hơn là nên ở nhà" đối với các bang của họ, trong khi đó, Thống đốc bang Massachusetts Charlie Baker kêu gọi tất cả các doanh nghiệp và tổ chức cung cấp các dịch vụ không thiết yếu đóng cửa.

Trên trang mạng Twitter, ông Evers nhấn mạnh: "Mọi người trên toàn bang của chúng ta vẫn ra ngoài và nếu điều này là không cần thiết thì không nên đặt những người bạn, những người hàng xóm và công đồng của chúng ta vào rủi ro. Hãy ở nhà và hỗ trợ chúng tôi cứu người".

Về phần mình, Thống đốc bang Michigan Whitmer đưa ra một yêu cầu tương tự trong một cuộc họp báo ngày 23/3. Bà yêu cầu tất cả các doanh nghiệp tại bang Michigan dừng các hoạt động đòi hỏi phải có sự hiện diện nhằm bảo vệ và duy trì sự sống cũng như kêu gọi người dân ở trong nhà, trừ phi họ phải tham gia vào lực lượng lao động liên quan tới cơ sở hạ tầng quan trọng hoặc trong các hoạt động cần thiết cho y tế và sự an toàn như mua sắm hàng tạp hóa hoặc đi tới bệnh viện.

Trước đó, các bang Louisiana, Ohio, Delaware và New York cũng đưa ra những khuyến nghị tương tự. Trên toàn nước Mỹ, các liên đoàn thể thao quốc gia như bóng rổ, bóng chày, khúc côn cầu đã hoãn các giải thi đấu thể thao lớn. Việc đóng cửa các nhà hàng, quán bar, địa điểm giải trí, sự kiện xã hội, những khu vực tụ tập đông người và hoạt động bán lẻ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Mỹ. Hàng chục ngàn người Mỹ đã đăng ký bảo hiểm thất nghiệp.

Trong bối cảnh như vậy, chi tiêu của người tiêu dùng, huyết mạch của nền kinh tế, sẽ giảm hàng trăm tỷ nếu không muốn nói là hàng nghìn tỷ USD. Việc hàng triệu việc làm bị mất cùng với chi tiêu giảm sẽ tạo thành vòng xoáy khiến nền kinh tế đi xuống.

Nhằm kích thích nền kinh tế đang giảm tốc, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 23/3 tuyên bố tăng cường những nỗ lực nhằm thúc đẩy nền kinh tế Mỹ và ổn định thị trường tài chính đang có xu hướng lao dốc do dịch COVID-19. Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ của Fed - đã tuyên bố sẽ mua một lượng trái phiếu kho bạc và chứng khoán được thế chấp không giới hạn và mở ba cơ sở mới để mua nợ của các công ty.

Động thái này là bước đi mới nhất của Fed nhằm thưc hiện một biện pháp can thiệp chưa từng có vào nền kinh tế Mỹ với mục đích duy trì tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19 gây ra. Trước đó, Fed đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ thông qua việc sử dụng tổng hợp các công cụ khác nhau, bao gồm cắt giảm lãi suất cơ bản xuống còn 0-0,25%, áp dụng chương trình nới lỏng định lượng (QE) thông qua việc mua trái phiếu chính phủ và chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản thế chấp, hạ lãi suất cho vay chiết khấu từ 1,5% xuống còn 0,25% và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc về 0% từ 26/3/2020. 

Cùng với Fed, Quốc hội Mỹ cũng như Nhà Trắng phải vào cuộc và hợp tác nhằm giảm bớt thiệt hại bằng các gói hỗ trợ để kích thích nền kinh tế. Điều cần thiết là cung cấp hỗ trợ quy mô lớn cho các doanh nghiệp nhỏ đang mất đi khách hàng và phải đóng cửa hoạt động.

Chính quyền Mỹ nên hỗ trợ tiền trực tiếp cho những người bị ảnh hưởng nhất bởi dịch bệnh hay các nỗ lực nhằm ngăn chặn dịch bệnh. Ví dụ như người lao động bị mất việc làm hoặc phải giảm giờ làm đáng kể và những nhân viên nghỉ ở nhà do bị ốm. Ngoài ra Mỹ cũng cần hỗ trợ cho các gia đình, giúp họ có thể chi trả cho sinh hoạt cơ bản, đồng thời cần chuẩn bị để đưa ra sự hỗ trợ thường xuyên hơn cho tới khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi. 

Các nhà lập pháp Mỹ như Thượng nghị sĩ Cory Booker, Michael Bennet và Sherrod Brown đã đề xuất hỗ trợ ngay lập tức khoản tiền 2.000 USD cho mỗi người lớn và trẻ em và sẽ hỗ trợ thêm các khoản tiền vào mùa Hè và mùa Xuân nếu như Mỹ vẫn tiếp tục phải đối mặt với khủng hoảng.

Một trong những hình thức kích thích kinh tế hiệu quả nhất là tăng đáng kể phần chi phí cho bảo hiểm Medicaid do chính phủ liên bang chi trả. Chi phí Medicaid sẽ tăng lên đột ngột khi người lao động khắp cả nước mất việc làm, gây áp lực rất lớn cho chính quyền các bang và khiến nhiều bang buộc phải cân đối ngân sách. Như vậy, Chính quyền các bang rất cần sự giúp đỡ để tránh cắt giảm Medicaid trong bối cảnh khủng cuộc hoảng y tế do dịch COVID-19 gây ra hiện nay.

Nếu các ước tính về thiệt hại kinh tế có thể xảy ra do COVID-19 là chính xác, gói kích thích tài khóa phải lớn hơn đáng kể so với con số hơn 900 tỷ USD trong Đạo luật Phục hồi và Tái đầu tư của Mỹ năm 2009 đã giúp nền kinh tế Mỹ thoát khỏi tình trạng suy thoái tồi tệ nhất. Khoản 1.200 tỷ USD mà Nhà Trắng đang kêu gọi hỗ trợ thậm chí có thể là quá ít và cần một khoản tiền cao hơn, khoảng 1.500 tỷ USD nếu như tình hình tiếp tục xấu đi. 

Các nhà hoạch định chính sách tài khóa cũng cần phối hợp với các cơ quan chính sách tiền tệ nhằm thực hiện bất cứ biện pháp nào để đảm bảo ứng phó với việc giảm chi tiêu ở các lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Như vậy, Mỹ cần hành động táo bạo và nhanh chóng bởi bây giờ không phải là lúc thực hiện cách tiếp cận xem xét và chờ đợi hay biện pháp nửa vời bởi cách tiếp cận "tham bát bỏ mâm" sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Vì lợi ích của nước Mỹ, cần hợp tác để đưa ra cách thức đối phó tổng thể nhằm chống lại mối đe dọa kinh tế lớn trước mắt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục