Mỹ “cởi trói” thị trường năng lượng sẽ gây ra những tác động gì?

09:05' - 02/01/2016
BNEWS Trong một bước đi lịch sử, Mỹ vừa quyết định dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu đã kéo dài trong suốt 40 năm qua, sau khi sản lượng “vàng đen” của nước này leo lên mức cao kỷ lục.

Đây được coi là một động thái mang tính “bước ngoặt” đối với chính sách năng lượng của Washington. Nhà Trắng đã áp đặt lệnh cấm đối với hoạt động xuất khẩu dầu vào giữa thập niên 1970 của thế kỷ trước, do quan ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung sau khi lệnh cấm vận dầu mỏ của các thành viên Arập trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) khiến giá năng lượng thế giới tăng vọt.

Tuy nhiên, “gió đã đổi chiều”. Giờ đây, với “vũ khí lợi hại” mang tên kỹ thuật khai thác dầu từ đá phiến, Mỹ đã trở thành nước sản xuất dầu lớn thứ ba trên thế giới, sau Nga và Saudi Arabia.

Mỹ quyết định “cởi trói” thị trường năng lượng. Ảnh: Getty

Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, sản lượng dầu của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng từ 5 triệu thùng/ngày lên 8,7 triệu thùng/ngày trong giai đoạn từ năm 2008-2014. Đặc biệt, sản lượng dầu thô của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm 2014 cũng đạt mức cao nhất kể từ năm 1985.

Sự đột phá này đang đẩy Mỹ vào tình trạng thừa cung dầu, từ đó dẫn đến nhu cầu xuất khẩu. Bằng chứng là Cushing (thuộc bang Oklahoma) - "trung tâm lưu trữ" dầu của nước này - với các bồn chứa lớn có khả năng lưu trữ 85 triệu thùng dầu, hiện đang đối mặt với tình trạng quá tải.

Rõ ràng, những công ty dầu mỏ lớn của Mỹ như Exxon Mobil và ConocoPhillips sẽ là những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ quyết định tháo gỡ rào cản đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ. Tuy nhiên, những lợi ích của việc này, theo các chuyên gia kinh tế, còn rộng lớn hơn thế.

Xuất khẩu dầu mỏ khởi sắc sẽ giúp thu hút đầu tư vào hoạt động sản xuất và vận chuyển mặt hàng này, kiến tạo thêm việc làm, giúp nguồn cung dầu khí ổn định hơn và cải thiện tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ…

Theo ước tính của hãng tư vấn HIS (Mỹ), nền kinh tế Mỹ mỗi năm sẽ có thể kiến tạo thêm từ 394.000 đến 859.000 việc làm trong giai đoạn năm 2016-2030 khi Washington “tháo ngòi” cho hoạt động xuất khẩu dầu.

Bên cạnh đó, quyết định trên của Chính phủ Mỹ cũng sẽ giúp các đồng minh châu Âu của nước này, vốn đang phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga, có thêm lựa chọn (về nguồn cung).

Tuy nhiên, giới đầu tư  dự đoán quyết định này của Washington sẽ không tác động đáng kể tới thị trường dầu mỏ. Ở một khía cạnh khác, các nhóm hoạt động vì môi trường lại quan ngại rằng việc các công ty năng lượng Mỹ đẩy mạnh hoạt động sản xuất và khai thác dầu sẽ tác động xấu tới môi trường.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục