Mỹ: Công nghệ nhận diện khuôn mặt có thể đe doạ quyền riêng tư

06:43' - 17/04/2019
BNEWS Việc sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, hiện chưa hề được quản lý hay quy định ở Mỹ và điều này có thể đe dọa quyền riêng tư của người dân sở tại.

Theo phóng viên TTXVN tại New York, việc sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, một ứng dụng tương thích với hệ thống camera công cộng ở hầu hết các thành phố của Mỹ, có thể tự động nhận dạng một người nào đó từ khuôn hình video, hiện chưa hề được quản lý hay quy định ở Mỹ và tờ New York Times số ra ngày 16/4 cảnh báo điều đó có thể đe dọa quyền riêng tư của người dân sở tại.

New York Times đã thử nghiệm bằng cách thu thập dữ liệu hình ảnh người dân đi lại qua khu vực Bryant Park trong một ngày và cho dữ liệu video chạy trên ứng dụng nhận diện khuôn mặt của Amazon.

Thử nghiệm này cho thấy để định dạng khuôn mặt của một người cụ thể với độ chính xác tới 89% chỉ mất chi phí có 60 USD.

Thử nghiệm của New York Times cho thấy một người chỉ cần vài cái camera và ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt là có thể giám sát được thói quen hàng ngày của bất kỳ người nào: chẳng hạn như đến công sở vào giờ nào, uống café với ai hay có rời công sở sớm hơn thường lệ không.

Với các chính phủ và cơ quan an ninh thì việc sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để truy tìm các đối tượng tình nghi trong các vụ án và tìm kiếm trẻ em mất tích là rất hiệu quả nhất là khi họ có quyền tiếp cận với mạng lưới camera khổng lồ cũng như các dữ liệu lưu trữ về khuôn mặt như bằng lái xe chẳng han. Với công nghệ này, việc định vị bất kỳ công dân nào ngay lập tức khi cần hoàn toàn có thể thực hiện được ngay.

Ở thành phố New York, cứ khoảng 7 người dân thì có một camera do chính quyền lắp đặt nhưng thực tế số lượng camera hiện đang hoạt động ở đây thậm chí lớn hơn nhiều.

Theo Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (American Civil Liberties Union) chỉ riêng khu vực trung tâm thành phố Lower Manhattan, cảnh sát có thể tiếp cận dữ liệu của hơn 9.000 camera.

Cảnh sát New York cho biết Hệ thống Nhận thức Tên miền (Domain Awareness System), một hệ thống giám sát an ninh ở khu vực trung tâm thành phố do Sở Cảnh sát New York hợp tác với công ty Microsoft phát triển để theo dõi chi tiết các mục tiêu cần giám sát, hiện sử dụng dữ liệu từ một mạng lưới lớn nhất thế giới gồm các loại camera, kể cả camera ghi lại biển số xe và các thiết bị cảm biến khác.

Tuy nhiên thông tin của cảnh sát không cho biết hiện hệ thống này có sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt hay không dù sở cảnh sát đã thí nghiệm sử dụng công nghệ này hồi năm 2012, theo giáo sư Clare Garvie thuộc trường Luật của ĐH Georgetown.

Người phát ngôn của Sở Cảnh sát New York, bà Jessica McRorie, cho biết Sở Cảnh sát chỉ thu thập dữ liệu các khuôn mặt do camera thu được ở hiện trường các vụ án phục vụ công tác điều tra chứ không thu thập tất cả số dữ liệu khổng lồ các khuôn mặt xuất hiện trong các hệ thống camera được lắp đặt khắp nơi.

Tuy nhiên hiện các công ty như Amazon, Google và Microsoft công khai bán ứng dụng nhận diện khuôn mặt cho người dân và nhấn mạnh mặt tích cực của công nghệ có tên là Rekognition trong nhiều việc, chẳng hạn tìm kiếm trẻ em mất tích.

Các công ty cũng yêu cầu các khách hàng tuân thủ luật pháp và tôn trọng quyền của những người khác.

Hiện công nghệ nhận diện khuôn mặt Rekognition đã được sử dụng ở một số bang như Oregon để cảnh sát điều tra các vụ án, kể cả những vụ vi phạm luật nhỏ như chôm hàng ở siêu thị. Cảnh sát bang Florida cũng đang bắt đầu thử nghiệm sử dụng công nghệ này.

Amazon nhấn mạnh rằng công nghệ của họ chỉ phân tích dự báo chứ không đưa ra quyết định và mức độ bảo mật của ứng dụng này phải do con người xem xét và quyết định.

Người phụ trách Trí tuệ Nhân tạo thuộc mảng dịch vụ công nghệ thông tin của Amazon, ông Matt Wood nhấn mạnh rằng công nghệ nhận diện khuôn mặt Rekognition khi được các cơ quan thực thi pháp luật sử dụng cũng có khả năng bị sử dụng cho mục đích không phù hợp và trong trường hợp như vậy thì cơ quan thực thi pháp luật đó phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên ông khẳng định cho đến lúc này chưa có báo cáo nào cho thấy các cơ quan thực thi pháp luật ở Mỹ đã sử dụng công nghệ cho mục đích không phù hợp.

Hiện ở Mỹ không có luật nào của liên bang yêu cầu hạn chế sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt.

Hầu hết các bang và kể cả thành phố New York cũng chưa có quy định xung quanh vấn đề này.

Việc thiếu quy định quản lý đã mở màn cho hàng loạt các vụ việc áp dụng công nghệ một cách tùy tiện.

Theo nghiên cứu của ĐH Georgetown , văn phòng cảnh sát trưởng Florida đã tiến hành 8.000 cuộc tìm kiếm dữ liệu khuôn mặt mỗi tháng mà không hề yêu cầu các sĩ quan cảnh sát của họ phải chứng minh được việc tìm kiếm thông tin là cần thiết và vụ việc có nghi vấn tội ác ở mức độ tương đối.

Hiện một số cơ quan của Mỹ đã đề xuất cần có quy định, bao gồm cả quy định yêu cầu nhà chức trách phải phát hiện những dấu hiệu nghi vấn ở mức độ tương đối mới được tiến hành tìm kiếm dữ liệu khuôn mặt hay quy định cấm tìm kiếm nhận diện khuôn mặt vì lý do chủng tộc hay tôn giáo.

Trong khi đó cũng nhiều ý kiến cho rằng công nghệ này quá nguy hiểm vì khó có đủ luật lệ có thể kiểm soát.

Một số các nhà khoa học đã chia sẻ ý kiến với tờ New York Times rằng công nghệ nhận diện khuôn mặt khác hẳn với các loại công nghệ giám sát khác bởi khó mà giấu được các khuôn mặt và hoàn toàn có thể quan sát các khuôn mặt từ xa, không giống như vân tay.

Tuy nhiên cũng không thể buộc các cơ quan thực thi pháp luật không sử dụng công nghệ mới chỉ bởi vì nó tiềm tàng rủi ro.

Các nhà khoa học nhận định, đối với công nghệ mới, lợi ích luôn đi kèm rủi ro và công nghệ nhận diện khuôn mặt có thể mang lại nhiều lợi ích to lớn, chỉ có điều phải làm sao để giảm thiểu khả năng công nghệ bị sử dụng cho mục đích xấu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục