Mỹ: Đàm phán về gói kích thích mới vẫn chìm trong bế tắc

11:42' - 11/08/2020
BNEWS Các cuộc đàm phán về gói cứu trợ mới giữa các quan chức hàng đầu của chính quyền Tổng thống Trump và các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ tại Quốc hội đã sụp đổ mà không đi đến được một thỏa thuận.

Các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ và các quan chức chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày 10/8 cho biết họ sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán về một thỏa thuận cho kế hoạch cứu trợ nền kinh tế trước cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán vẫn đang chìm trong bế tắc.

Trước đó, hôm 7/8, các cuộc đàm phán về gói cứu trợ mới giữa các quan chức hàng đầu của chính quyền Tổng thống Trump và các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ tại Quốc hội đã sụp đổ mà không đi đến được một thỏa thuận.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer cho biết họ sẵn sàng bắt đầu lại các cuộc đàm phán. Nhưng kể từ ngày 7/8 nay, giữa hai bên vẫn không có bất cứ sự liên lạc nào.

Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin, người đại diện cho Nhà Trắng trong các cuộc đàm phán với phía đảng Dân chủ, trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC rằng vẫn có chỗ cho sự thỏa hiệp do hai bên còn nhiều việc phải làm, song từ chối cho biết khi nào các cuộc đàm phán có thể tiếp tục.

Hạ viện do đảng Dân chủ lãnh đạo đã thông qua dự luật viện trợ trị giá 3.400 tỷ USD vào tháng Năm.

Nhưng Thượng viện do đảng Cộng hòa lãnh đạo đã đưa ra gói 1.000 tỷ USD của riêng họ vào cuối tháng trước, thời điểm các quan chức chính quyền bắt đầu đàm phán với đảng Dân chủ về vấn đề này.

Hồi tuần trước, bà Pelosi và ông Schumer đã nhiều lần gặp gỡ với ông Mnuchin và Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows để cố gắng thu hẹp khoảng cách về hai đề xuất nêu trên. Tuy nhiên, ông Mnuchin gọi lời đề nghị của phe Dân chủ về việc giảm quy mô dự luật xuống 2.000 tỷ USD, bao gồm cả viện trợ cho chính quyền các địa phương và các bang, là "vô lý".

Hai bên đã có sự đồng thuận trong một số vấn đề như cung cấp tài chính cho các trường học và xét nghiệm COVID-19. Nhưng các chính trị gia vẫn mâu thuẫn về nhiều vấn đề khác như trợ cấp thất nghiệp, viện trợ cho chính quyền các địa phương và bảo hiểm nợ cho các doanh nghiệp.

Giữa lúc gói cứu trợ mới vẫn chìm trong bế tắc, Tổng thống Trump hôm thứ Bảy (8/8) đã ký 4 sắc lệnh hành pháp và một bản ghi nhớ nhằm cung cấp biện pháp cứu trợ cho người lao động, doanh nghiệp và chính quyền địa phương.

Trong đó, một sắc lệnh yêu cầu các bang phải chi trả 25% trong khoảng tiền trợ cấp thất nghiệp 400 USD mỗi tuần cho người lao động bằng cách sử dụng quỹ cứu trợ thiên tai. Khoản tiền trên sẽ thay thế cho khoản thanh toán 600 USD/tuần đã hết hạn vào cuối tháng Bảy.

Các nhà kinh tế lưu ý rằng áp lực tài trợ cho chương trình nói trên đồng nghĩa với việc nhiều bang và chính quyền các địa phương có thể buộc phải sa thải giáo viên, cảnh sát và nhân viên cứu hỏa. Tuy nhiên, ông Mnuchin cho biết chính phủ các bang còn "rất nhiều tiền" từ gói viện trợ gần nhất để trang trải thâm hụt ngân sách.

Các nghị sỹ đảng Dân chủ chỉ trích những động thái trên và cho rằng chúng là “không đủ”. Thậm chí Phòng Thương mại Mỹ cho biết các sắc lệnh của Tổng thống "không thể thay thế cho hành động của Quốc hội."

Các thống đốc bang thuộc cả hai đảng cũng cho biết các biện pháp cứu trợ của Tổng thống Trump là “quá đắt đỏ” để họ có thể thực hiện khi các bang phải vật lộn với hậu quả của đại dịch.

Đồng thời, các thống đốc cũng kêu gọi giới chức Washington nối lại các cuộc đàm phán về kế hoạch viện trợ liên bang./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục