Mỹ kỳ vọng đạo luật 280 tỷ USD sẽ thúc đẩy lĩnh vực bán dẫn

13:31' - 29/07/2022
BNEWS Ngày 28/7, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật trị giá 280 tỷ USD nhằm hỗ trợ ngành sản xuất chất bán dẫn trong nước trong cuộc cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc.

Với 243 phiếu thuận và 187 phiếu chống, Hạ viện đã thông qua đạo luật "Con chip và Khoa học" với sự ủng hộ của lưỡng đảng hôm 27/8 và sẽ chờ Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành.

 

Trong tuyên bố, ông Biden đã hoan nghênh động thái này, khẳng định dự luật sẽ giúp giảm chi phí của những mặt hàng được sử dụng hằng ngày.

Là một bước đột phá lớn hiếm hoi trong chính sách công nghiệp của Mỹ, đạo luật sẽ cung cấp khoảng 52 tỷ USD trợ cấp của chính phủ cho việc sản xuất chất bán dẫn – vốn được sử dụng trong mọi sản phẩm điện tử, từ ô tô và vũ khí công nghệ cao đến các thiết bị công nghệ và trò chơi điện tử. Đạo luật cũng bao gồm một khoản tín dụng thuế đầu tư cho các nhà máy sản xuất chip ước tính trị giá 24 tỷ USD.

Ngoài ra, đạo luật cũng sẽ “rót” 200 tỷ USD trong 10 năm để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của Mỹ nhằm cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc.

Cụ thể hơn, 81 tỷ USD sẽ được dành cho Quỹ Khoa học quốc gia (NSF), 10 tỷ USD hỗ trợ các trung tâm công nghệ địa phương và 68 tỷ USD dành cho Bộ Năng lượng. Quốc hội vẫn sẽ cần thông qua luật trích lập riêng để tài trợ cho những khoản đầu tư đó.

Theo Tổng thống Mỹ, đạo luật sẽ giúp tạo thêm việc làm có mức lương cao trong lĩnh vực sản xuất trên khắp cả nước, đồng thời giúp củng cố vị thế dẫn đầu của Mỹ trong các lĩnh vực công nghiệp tương lai.

Thông qua việc sản xuất thêm thiết bị bán dẫn tại Mỹ, dự luật sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước, giảm chi phí cho các gia đình, tăng cường an ninh quốc gia nhờ giảm sự phụ thuộc vào các nguồn thiết bị bán dẫn từ nước ngoài.

Trước đó, với 64 phiếu thuận và 33 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua dự luật này. Nhiều nhà lập pháp Mỹ cho biết họ thường sẽ không hỗ trợ các khoản trợ cấp quá lớn cho các doanh nghiệp tư nhân, nhưng lưu ý rằng Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã trao hàng tỷ USD ưu đãi cho các công ty chip của họ.

Các nhà lập pháp cũng viện dẫn những rủi ro an ninh quốc gia cùng nhiều vấn đề lớn của chuỗi cung ứng toàn cầu đã cản trở hoạt động chế tạo không chỉ tại Mỹ mà còn trên thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục