Mỹ lại nâng thuế với các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu

12:52' - 09/02/2020
BNEWS Bất chấp sự phản đối rộng rãi, quyết định tăng thuế đối với các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu lần lượt là 25% và 10% do Chính phủ Mỹ áp đặt đã bắt đầu có hiệu lực vào Thứ Bảy tuần này (8/2).
Trong ảnh (tư liệu): Nhà máy sản xuất thép ở Santa Cruz, cách thành phố Rio de Janerio của Brazil 60km. Ảnh: AFP/ TTXVN

Cách đây hai tuần, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký tuyên bố để tăng thuế đối với các mặt hàng thép và nhôm phái sinh nhập khẩu, trong đó có đinh, ghim và một số sản phẩm khác. Khi đó, ông chủ Nhà Trắng gọi đây là quyết định "cần thiết và phù hợp".

Cũng theo tuyến bố trên, Argentina, Australia, Brazil , Canada , Mexico và Hàn Quốc được miễn thuế bổ sung đối với các sản phẩm thép phái sinh, trong khi Argentina, Australia, Canada và Mexico được miễn thuế bổ sung đối với các sản phẩm nhôm phái sinh.

Hồi năm 2018, Chính quyền Tổng thống Trump đã đơn phương áp đặt mức thuế 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu. Lý do được đưa ra là những lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia dựa theo Mục 232 của Đạo luật Thương mại mở rộng năm 1962.

Các nhà kinh tế từ lâu đã lập luận rằng các biện pháp thuế quan như vậy sẽ làm tổn thương lĩnh vực chế tạo và thậm chí là toàn bộ nền kinh tế Mỹ.

Theo một nghiên cứu của công ty tư vấn kinh tế và thương mại quốc tế Trade Partnership Worldwide, chi phí cao hơn từ thuế thép và nhôm, những biện pháp xác định hạn ngạch và trả đũa liên quan từ các đối tác thương mại sẽ làm giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ khoảng 0,2 điểm phần trăm mỗi năm.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng với mỗi công việc được tạo ra trong ngành thép hoặc nhôm của Mỹ, 16 công việc khác sẽ biến mất trong các lĩnh vực khác của nước này. Ngoài ra, gần như mọi bang của Mỹ sẽ chứng kiến tình trạng mất việc làm ròng do tác động từ thuế quan.

Ông Chad Bown, một thành viên cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson có trụ sở tại Washington, nói rằng việc Tổng thống Trump mở rộng các biện pháp thuế quan áp lên thép và nhôm nhập khẩu đã làm dấy lên nhiều lo ngại trong các công ty. Trong đó bao gồm cả sự không chắc chắn ngày càng gia tăng về cách Chính phủ Mỹ tiếp cận chính sách thương mại của họ.

Ông Bown lập luận với mỗi vòng thuế quan xếp chồng lên nhau, Tổng thống Trump đã buộc nhiều công ty Mỹ trở nên “tự bảo hộ” hơn. Còn đối với nhiều công ty Mỹ khác, việc chi phí gia tăng do các biện pháp thuế quan của ông Trump sẽ khiến họ khó có thể cạnh tranh với những đối thủ từ nước ngoài ngay tại chính sân nhà hay thị trường thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục