Mỹ Latinh trước cơ hội trở thành siêu cường hàng hóa

10:16' - 05/09/2023
BNEWS Trong nhiều thế kỷ vừa qua, Mỹ Latinh là nguồn cung cấp thực phẩm, nhiên liệu và kim loại quan trọng toàn cầu.

Ngày nay, cùng với sự thay đổi xu hướng tiêu dùng, khi thế giới nỗ lực chuyển đổi năng lượng, khu vực này đang đứng trước các cơ hội mới, để trở thành siêu cường hàng hóa của thế kỷ 21.

Nhưng làm thế nào để Mỹ Latinh có thể tận dụng một cách tốt nhất các cơ hội đang có?

 

*Nguồn tài nguyên phong phú

Thế giới đang gấp rút chuyển đổi nguồn năng lượng truyền thống sang năng lượng sạch, để có thể đạt được mục tiêu không phát thải vào năm 2050. Quá trình "xanh hóa" đã làm thay đổi cấu trúc nhu cầu về hàng hóa nguyên liệu, trong đó các kim loại cần thiết, để sản xuất thiết bị sản xuất năng lượng sạch, như năng lượng gió và Mặt Trời, đường dây truyền tải điện và pin năng lượng, đã trở thành các mặt hàng được "săn đón".

Mỹ Latinh nắm giữ hơn 1/5 trữ lượng toàn cầu của năm kim loại đặc biệt quan trọng cho quá trình chuyển đổi năng lượng, bao gồm đồng, lithium, bạc, thiếc và nickel.

Tại đây, 40% sản lượng đồng khai thác trên toàn cầu thuộc về Chile với 27%, Peru 10% và Mexico 3%. Trong khi, 60% lithium của thế giới, nguồn kim loại đầu vào không thể thiếu trong các cục pin năng lượng của xe điện (EV), chủ yếu được tìm thấy ở Chile và Argentina.

Ngoài ra, Mỹ Latinh còn là nơi cung cấp 1/2 lượng bạc toàn cầu và Brazil có trữ lượng nickel đứng thứ ba thế giới. Ngay cả khi quá trình chuyển đổi xanh không mạnh mẽ, thì Mỹ Latinh vẫn sẽ hưởng lợi, nhờ những phát hiện gần đây về dầu mỏ, có thể giúp khu vực này đáp ứng 5-10% nhu cầu toàn cầu vào năm 2030.

Bên cạnh đó, 2.000 ha đất trù phú của Mỹ Latinh đã đem lại nguồn cung ngũ cốc, động vật, cà phê và đường dồi dào, phục vụ gần 1/3 dân số thế giới. Dự kiến, cho đến năm 2032, xuất khẩu lương thực ròng của Mỹ Latinh có thể vượt 100 tỷ USD, đưa khu vực này trở thành "vựa lương thực" lớn nhất thế giới.

Sức hút của các nước Mỹ Latinh với tư cách là đối tác thương mại nhiều tiềm năng càng được thấy rõ khi xuất hiện sự cạnh tranh giữa các siêu cường. Khi phương Tây cố gắng đa dạng hóa sản xuất, thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc, thì Mỹ Latinh nổi lên là một ứng cử viên trung lập và hòa bình, hoàn toàn phù hợp để ký kết thỏa thuận hợp tác.

Các nước Mỹ Latinh cũng đã nhận thấy cơ hội "kiếm tiền" đang đến. 21 trên 33 quốc gia thuộc khu vực này có hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ. Năm ngoái, Vale, công ty khai thác mỏ của Brazil, đã ký một thỏa thuận dài hạn để cung cấp nickel cho Tesla, nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới.

Tháng 4/2023, cơ quan quản lý của Brazil đã cấp phép dự án 5 tỷ USD của Sigma Lithium, một công ty khởi nghiệp, để khai thác lithium từ đá cứng ở bang Minas Gerais.

Argentina đang mong đợi các khoản đầu tư nước ngoài rót vào lithium, trị giá 4,2 tỷ USD, trong 5 năm tới. Và Trung Quốc tuyên bố dành 1,4 tỷ USD để phát triển sản xuất lithium ở Bolivia, trong khi Liên minh châu Âu (EU) cam kết đầu tư 45 tỷ euro vào các dự án xanh của Mỹ Latinh.

 

* Rủi ro cản trở

Trong khi tiềm năng và cơ hội là rất lớn, thì chủ nghĩa dân tộc bảo vệ tài nguyên xanh, kết hợp với chủ nghĩa dân túy đã cản trở các nước Mỹ Latinh thu được "quả ngọt". Các chính trị gia Mỹ Latinh đẩy mạnh chủ nghĩa dân tộc tài nguyên với hy vọng tạo ra nhiều việc làm và cơ hội kinh doanh tốt hơn.

Nhiều chính sách tăng thuế đã được ban hành.  Chính phủ các nước liên tục thay đổi quy định, tăng yêu cầu quốc hữu hóa đối với tài nguyên dự trữ hoặc đóng cửa đối với đầu tư nước ngoài. Đi kèm với đó là xung đột chính trị và bất bình đẳng vẫn tiếp diễn.

Những vấn đề này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến "túi tiền" của các nhà đầu tư, ngăn cản nguồn vốn quốc tế rót vào khu vực. Công ty dữ liệu Wood Mackenzie ước tính từ nay đến 2040, Mỹ Latinh cần ít nhất 575 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu đồng trên toàn cầu, còn với lithium số tiền cần là khoảng 40 tỷ USD, tính đến năm 2030.

Ngay cả tại các nước có hàng rào pháp lý tốt, chẳng hạn như Peru, cũng có thể gặp trở ngại. Điển hình là một trong những khoản đầu tư khai thác quan trọng nhất của nước này, mỏ đồng Las Bambas trị giá 7 tỷ USD, đã bị "đóng băng" trong hai tháng giữa năm nay, khi các cộng đồng lân cận liên tục phản đối và biểu tình phong tỏa.

"Vận may" dầu mỏ ở Colombia và Ecuador đã dẫn đến quá trình phi công nghiệp hóa sớm tại hai quốc gia này. Khi doanh thu xuất khẩu tăng lên, đồng nội tệ của Colombia và Ecuador cũng tăng theo, "bóp nghẹt" các ngành xuất khẩu khác và đẩy thị trường khu vực vào vòng xoáy biến động.

Mỹ Latinh đã trải qua vô số cuộc bùng nổ và phá sản. Các nền kinh tế trong khu vực bị mất cân bằng do trung bình 80% xuất khẩu là nguyên liệu thô.

*Để tận dụng tốt nhất các cơ hội

Mỹ Latinh cần phải thay đổi, nếu muốn tận dụng được một cách tốt nhất các cơ hội. Để làm được điều này đòi hỏi các nước trong khu vực ưu tiên cho vấn đề cải tổ chính trị, vốn đang kìm hãm đầu tư.

Chia sẻ lợi nhuận thu được từ hoạt động khai thác tài nguyên với các cộng đồng sống gần những khu mỏ cũng rất quan trọng. Các chính quyền và nhà khai thác phải cùng nhau nỗ lực cải thiện tình hình, để giảm bớt sự bất bình trong cộng đồng, nếu không tiến độ khai thác sẽ vẫn bấp bênh.

Và cuối cùng, điều quan trọng nhất là các chính phủ cần tiêu tiền một cách thông minh. Khi giá hàng hóa tăng cao, các chính phủ nên đưa thêm một số khoản thu nhập gia tăng vào quỹ dự phòng, để hỗ trợ ngân sách quốc gia lúc khó khăn. Thay vì "vung tiền" để xây dựng các dự án khai thác và chế biến quy mô lớn, các chính phủ có thể xem xét đầu tư vào những các ngành công nghiệp cơ bản, như giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng và nghiên cứu.

Lịch sử đang mở ra "chương mới" để Mỹ Latinh có cơ hội phát triển, thoát khỏi "bẫy tài nguyên" của chính khu vực. Do đó, các chính phủ cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục