Mỹ Latinh và Caribe - tác nhân quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

05:30' - 16/11/2021
BNEWS 37% nhu cầu giảm thiểu biến đổi khí hậu có thể được đáp ứng bằng các giải pháp dựa vào tự nhiên và điều này đặt Mỹ Latinh và Caribe vào một vị trí đắc địa.

 

Theo phân tích của trang mạng Celsa.com, với việc sở hữu tới 60% đa dạng sinh học của hành tinh, 50% rừng nguyên sinh và 28% đất có tiềm năng cho nông nghiệp, khu vực Mỹ Latinh và Caribe trở thành một tác nhất quan trọng nhất trong việc triển khai các hành động chống biến đổi khí hậu.

Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, có tới 37% nhu cầu giảm thiểu biến đổi khí hậu có thể được đáp ứng bằng các giải pháp dựa vào tự nhiên và điều này đặt Mỹ Latinh và Caribe vào một vị trí đắc địa. Tuy nhiên, để phát huy hết tiềm năng của khu vực, các chuyên gia đều cho rằng cần phải làm việc một cách đồng bộ để bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, nhiều hệ sinh thái trong số đó được chia sẻ bởi một số quốc gia.

Một trong những tin tốt lành đến từ Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) là thỏa thuận giữa Colombia, Costa Rica, Ecuador và Panama để bảo tồn Hành lang biển Đông nhiệt đới Thái Bình Dương, một hệ sinh thái tạo ra 3 tỷ USD hàng năm chủ yếu từ đánh bắt cá, du lịch và vận tải biển.

Bên cạnh đó, một khu vực khác cần có các biện pháp bảo vệ là Amazon, được chia sẻ bởi Bolivia, Brazil, Colombia, Ecuador, Guyana, Peru, Suriname và Venezuela. Đây là một trong những “lá phổi” lớn nhất, nguồn đa dạng sinh học phong phú và chiếm 40% rừng nhiệt đới trên hành tinh. Hiệp ước Leticia được các bên liên quan ký kết để thúc đẩy hành động phối hợp nhằm giảm nạn phá rừng, khuyến khích các quá trình nghiên cứu và tăng khả năng chống chịu với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.

Cũng tại COP26, Ngân hàng phát triển Mỹ Latinh (CAF) thông báo sẽ phân bổ 25 tỷ USD trong 5 năm tới nhằm thúc đẩy “tăng trưởng xanh” tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe. Một trong những hành động đầu tiên liên quan đến "chiến lược xanh của CAF" là việc tổ chức tài chính này sẽ đóng góp 1 triệu USD nhằm thúc đẩy thỏa thuận bảo tồn Hành lang biển Đông nhiệt đới Thái Bình Dương.

Ngoài ra, CAF sẽ xây dựng "một nền tảng giúp huy động thêm vốn tín dụng cho các quỹ khí hậu và môi trường", nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải ngân ít nhất 1,5 tỷ USD vốn tài trợ ưu đãi cho khu vực Mỹ Latinh trong giai đoạn 2021-2026. 

Phó Chủ tịch phụ trách vấn đề phát triển bền vững của ngân hàng phát triển Mỹ Latinh (CAF) Julián Suárez Migliozzi cho biết, các biện pháp thích ứng và bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên mà khu vực đang thực hiện là rất cần thiết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Hiện tại, hơn một nửa số quốc gia trong khu vực có 17% diện tích đất được bảo vệ. Trong khi đó, khu vực này chỉ chịu trách nhiệm cho 10% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhưng sẽ là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu, với lượng mưa thay đổi đáng kể, các sông băng ở khu vực núi Andés đang tan chảy và mực nước biển Thái Bình Dương và Đại Tây Dương tăng lên.

COP 26, nhằm tạo ra sự đồng thuận toàn cầu mới nhằm tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo và thúc đẩy tăng trưởng xanh, có ý nghĩa đặc biệt đối với Mỹ Latinh và Caribe. Tuy nhiên, khu vực cũng đúng trước nhiều thách thức, bao gồm mở rộng tài chính cho các sáng kiến thích ứng và giảm thiểu, định vị mình như một tác nhân tiêu chuẩn trong thị trường carbon mới chớm nở và đầu tư vào các giải pháp dựa trên tự nhiên.

Ngoài ra, Mỹ Latinh và Caribe này cũng cần dự đoán sự chuyển đổi tất yếu sang các nền kinh tế sạch mà thế giới sẽ trải qua trong những năm tới. Thực tế cho thấy sự phụ thuộc tổng thể vào nhiên liệu hóa thạch trong khu vực ở mức cao, hệ thống sản xuất và dịch vụ với mức độ hiện đại hóa thấp và sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên.

Có thể thấy, Mỹ Latinh và Caribe đang đối mặt với các khó khăn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, gồm tài chính, các giải pháp dựa trên tự nhiên và thị trường carbon. Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cần có kinh phí. Các quốc gia trong khu vực đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bởi đại dịch COVID-19, dẫn đến các hạn chế về khả năng tài chính. Vì lý do này, khu vực cần bổ sung các kênh tài chính mới cho phép khu vực này tăng khả năng phục hồi và điều chỉnh các chiến lược tái kích hoạt nền kinh tế của mình với các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, các giải pháp dựa trên tự nhiên cũng rất cần thiết. Mỹ Latinh và Caribe có đa dạng sinh học và hệ sinh thái tuyệt vời phải được tích hợp vào hành động khí hậu. Các loại giải pháp này có thể là một khuôn khổ để giải quyết các mục tiêu xã hội, mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu, và bao gồm thích ứng dựa vào hệ sinh thái, hòa nhập cộng đồng bản địa và tập trung vào giảm thiểu rủi ro. Các quốc gia trong khu vực đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cách tiếp cận này và có thể tạo ra một mô hình sản xuất bền vững, tăng khả năng phục hồi và phát triển kinh tế, tương thích với khả năng cạnh tranh cao hơn.

Thị trường carbon, vẫn còn sơ khai, được coi là một cơ hội để cân bằng lượng khí thải và nhận được nguồn tài chính mới. Đây là các thị trường để chuyển các mức giảm phát thải trên cơ sở tự nguyện hoặc ràng buộc giữa các bên. Thỏa thuận giữa các quốc gia tại COP26 sẽ là điều cần thiết để thị trường này được kích hoạt lại. Đại đa số các quốc gia trong khu vực đã đề cập đến ý định sử dụng cơ chế này một khi được quy định phù hợp. COP 26 đang cho thấy các quốc gia trong khu vực có cam kết cần thiết để đối mặt với những thách thức của hành động khí hậu trong những thập kỷ tới.

Thế giới cần nhìn nhận rõ vai trò của Mỹ Latinh và Caribe trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, qua đó tăng cường hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và triển khai các dự án nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học và diện tích rừng nguyên sinh lớn nhất hành tinh ở khu vực này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục