Anh kêu gọi các nước giàu tăng tài trợ chống biến đổi khí hậu

19:16' - 13/11/2021
BNEWS Trao đổi với báo giới, Thủ tướng Johnson nhấn mạnh: "Chúng ta cần thấy tiền mặt trên bàn để giúp các nước đang phát triển thực hiện những thay đổi cần thiết".

Ngày 12/11, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã kêu gọi các nước giàu tăng tài trợ khí hậu để đảm bảo đạt được bước đột phá tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow (Vương quốc Anh).

Theo phóng viên TTXVN tại Anh, Thủ tướng Johnson nhấn mạnh đây là điều cần thiết trước khi hội nghị kết thúc và cho biết thêm "chúng ta sẽ không thể giải quyết hết mọi việc tại COP26, nhưng chúng ta có thể bắt đầu".

Các nước nghèo đã từ chối phải làm nhiều hơn để hạn chế phát thải khí nhà kính mà không nhận được cam kết hỗ trợ tài chính để loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu. Bế tắc này là nguyên nhân khiến COP26  phải kéo dài sang ngày cuối tuần.

Trao đổi với báo giới, Thủ tướng Johnson nhấn mạnh: "Chúng ta cần thấy tiền mặt trên bàn để giúp các nước đang phát triển thực hiện những thay đổi cần thiết".

Quay lại Glasgow trong tuần này để thúc giục các bên thỏa hiệp, Thủ tướng Johnson nói: "Người dân (ở các quốc gia nghèo) cần thấy rằng có đủ tiền mặt để tạo ra sự khởi đầu và có đủ cam kết cho sự khởi đầu đó. Nếu họ có đủ can đảm để thực hiện thỏa thuận này... thì chúng ta sẽ có một lộ trình để tiếp tục tiến bước và bắt đầu loại bỏ mối đe dọa biến đổi khí hậu do con người gây ra".

COP26 đã phải kéo dài thêm một ngày để các nhà đàm phán đến từ 197 quốc gia có thêm thời gian đi tới một thỏa thuận. Chủ tịch COP Alok Sharma cho biết dự thảo sửa đổi của thỏa thuận sẽ được công bố vào sáng ngày 13/11 (giờ địa phương) và sau đó tiếp tục được thảo luận đến chiều cùng ngày.

Hiện nước chủ nhà Anh nuôi hy vọng thoả thuận chính thức của COP26 sẽ bao gồm việc yêu cầu các quốc gia quay trở lại bàn đàm phán vào năm tới tại COP27 ở Ai Cập với những cam kết tăng cường về giảm phát thải carbon, do những hành động hiện nay là không đủ nhanh và đủ mạnh trong “thập kỷ quan trọng" đến năm 2030.

Theo dự thảo thỏa thuận của COP26 công bố sáng 12/11, các nước cần đẩy nhanh loại bỏ điện than và bỏ trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, hiện một số nước phát thải CO2 lớn vẫn phản đối việc đưa ra cam kết rõ ràng về chấm dứt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục