Mỹ mở cửa trở lại cho du khách châu Âu đã tiêm chủng đầy đủ

08:21' - 08/11/2021
BNEWS Ngày 8/11, Mỹ bắt đầu mở cửa trở lại biên giới đối với du khách châu Âu đã tiêm chủng đầy đủ và xét nghiệm âm tính với COVID-19 sau 19 tháng đóng cửa để phòng chống dịch bệnh.

Với 244 triệu lượt hành khách quốc tế đến hoặc đi từ Mỹ vào năm 2019, quốc gia này vẫn là " mỏ vàng" của các hãng hàng không và các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương cũng được biết đến là có lợi nhuận cao nhất trên thế giới.

Chính các công ty châu Âu được hưởng lợi nhiều nhất vì điều này, khi gần 2/3 số chuyến bay xuyên Đại Tây Dương là do các hãng hàng không đến từ "Lục địa già" cung cấp.

Các hãng hàng không British Airways, Lufthansa hay Air France tồn tại cũng nhờ vào các chuyến bay đến Mỹ. Thị trường Bắc Mỹ chiếm 40% doanh thu từ các chuyến bay đường dài của Air France.

Bị cạnh tranh ở thị trường châu Âu bởi các hãng hàng không giá rẻ và các hãng hàng không vùng Vịnh đến các điểm ở châu Á, hành trình xuyên Đại Tây Dương sẽ mang đến một "luồng gió mới" thực sự cho các hãng hàng không châu Âu lâu đời này. Ngay khi lệnh giới hạn được dỡ bỏ, lượng khách đặt vé tại các hãng hàng không châu Âu đều bùng nổ.

Theo người phát ngôn hãng hàng không Bỉ Brussels Airlines, đó là một bước tiến lớn đối với các hãng hàng không trong việc thoát khỏi khủng hoảng.

Một ngày sau khi thông báo về việc mở cửa trở lại này, họ ghi nhận lượng đặt chỗ trên các chuyến bay tăng lên 180%. Brussels Airlines phải đáp ứng nhu cầu mạnh về đi lại của hành khách giữa Brussels và New York cho đến cuối năm.

Tương tự đối với Air France, tất cả các chuyến bay trong tuần tới từ Paris đến Mỹ đều "gần như kín chỗ". Hãng hàng không hàng đầu của Pháp giải thích: “Mọi người phải nhanh chóng nếu muốn tìm một chỗ đến New York vào dịp Giáng sinh".

Việc mở cửa trở lại này diễn ra ngay trước Lễ Tạ ơn và kỳ nghỉ lễ cuối năm với nhu cầu lớn của các gia đình, người thân không gặp nhau trong nhiều tháng và cả nhu cầu của khách du lịch.

Nhu cầu đi lại giữa châu Âu và Mỹ tăng cao như vậy liệu giá vé máy bay có tăng không? Điều này dường như đã xảy ra đối với các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương, ít nhất là cho đến cuối năm nay. Mặc dù các hãng hàng không đã sử dụng đội bay của họ bị đóng cửa do đại dịch, nhưng dường như họ không thể đáp ứng được nhu cầu khổng lồ này. Nhưng mọi thứ cho thấy tình hình sẽ ổn định trong những tháng tới, cả về phía cung và cầu.

Chưa kể một số hãng hàng không giá rẻ, chẳng hạn như American Jetblue - đã chứng kiến lượng đặt vé tăng vọt tới 500% giữa London và New York một ngày sau khi thông báo mở lại biên giới Mỹ. Hay Hãng hàng không Na Uy Norse Atlantic Airways, đã chiếm được một vị trí quan trọng trong thị trường này.

Ngay từ cuối tháng Chín vừa qua, du khách châu Âu đã háo hức chờ đợi được bay sang bên kia Đại Tây Dương. Boston không bị ảnh hưởng nhiều từ đại dịch vì đây là điểm đến rất được ưu ái của người Mỹ. Chẳng hạn, nhiều người New York đến nghỉ cuối tuần ở đây.

Thế nhưng ở New York, tình hình khác hơn. Lượng đặt phòng khách sạn vẫn thưa thớt, số người đi bộ ở Quảng trường Thời đại ít hơn 40% so với cùng kỳ năm 2019, còn taxi cũng giảm một nửa số chuyến so với trước cuộc khủng hoảng.

Ngành du lịch Mỹ đang chuẩn bị cho làn sóng du khách nước ngoài đến từ châu Âu, với một thỏa thuận mới: nhân viên của các công ty có hơn 100 người hiện được yêu cầu tiêm phòng. Ví dụ, Hãng hàng không United Airlines thông báo 99% nhân viên của họ đã tuân thủ nghĩa vụ tiêm chủng và họ đã buộc phải sa thải 600 người vì không tôn trọng quy định.

Kể từ ngày 11/3/2020, đối mặt với nguy cơ lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19 tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump khi đó đã ra lệnh cấm nhập cảnh vào lãnh thổ quốc gia này đối với bất kỳ người nào không phải là người Mỹ và đã lưu trú trong hai tuần trước đó trong khu vực Schengen, trừ các nhân viên ngoại giao. Từ thời điểm đó, cư dân châu Âu không thể tới Mỹ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục