Mỹ quan tâm tới lĩnh vực bán dẫn và khoáng sản của Indonesia

10:26' - 30/10/2023
BNEWS Các quan chức Mỹ và Indonesia đã thảo luận về kế hoạch hợp tác liên quan đến các khoáng sản quan trọng, an ninh mạng và an ninh hàng hải, cũng như lĩnh vực bán dẫn tại Washington.

Trong một tuyên bố chung, hai bên cùng chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của chuỗi cung ứng an toàn, cơ sở hạ tầng xanh và thiết yếu, an ninh kinh tế khu vực, mối đe dọa do khủng hoảng khí hậu và nhu cầu thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.

 

Để giải quyết các thách thức trên và giảm phát thải, quan chức hai nước đã thảo luận về các bước tiếp theo nhằm hiện thực hóa các sáng kiến hợp tác mới liên quan đến các khoáng sản quan trọng, an ninh mạng và an ninh hàng hải, lĩnh vực bán dẫn, Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và các lò phản ứng mô-đun nhỏ.

Cuộc thảo luận này được tiến hành trong khuôn khổ Đối thoại chính sách đối ngoại và quốc phòng lần thứ nhất giữa các quan chức cấp cao.

Tổng cục trưởng châu Mỹ và châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao, Đại sứ Umar Hadi và Tổng cục trưởng Chiến lược quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Bambang Trisnohadi dẫn đầu Phái đoàn Indonesia, trong khi Phái đoàn Mỹ do Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink và Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Ely Ratner dẫn đầu.

Tại cuộc thảo luận, hai bên đã tái khẳng định ý định nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện (CSP) nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Hồi tháng trước, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) đã đề nghị Mỹ khởi động đàm phán về thỏa thuận khoáng sản quan trọng (CMA) trong bối cảnh nước này đang tìm cách duy trì khả năng cạnh tranh của ngành xe điện (EV) trước các nước sản xuất khác.

Phát biểu với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 tại Jakarta, ông Jokowi nhấn mạnh Indonesia sẵn sàng trở thành nhà cung cấp pin EV cho Mỹ.

Trước đó, Mỹ đã ban hành hướng dẫn về tín dụng thuế EV theo Đạo luật giảm lạm phát (IRA), trong đó yêu cầu đặt ra một ngưỡng nhất định đối với các khoáng chất quan trọng của pin được khai thác hoặc xử lý tại một quốc gia có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Mỹ. Tuy nhiên, Indonesia chưa có FTA với Mỹ, mặc dù quốc gia Đông Nam Á này là nhà sản xuất nickel lớn nhất thế giới.

Hồi tháng Tư, Bộ trưởng Điều phối Biển và Đầu tư Luhut Pandjaitan cho biết Chính phủ Indonesia sẽ đề xuất một FTA hạn chế đối với một số khoáng sản được vận chuyển sang Mỹ để các công ty hoạt động trong chuỗi cung ứng pin EV có thể hưởng lợi từ các khoản tín dụng thuế của Mỹ.

Ngoài ra, Indonesia cùng một số quốc gia thành viên ASEAN khác cũng đang tìm cách tiếp cận ưu đãi của IRA thông qua các sáng kiến của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF), dự kiến được triển khai vào tháng 11 này.

IPEF là nỗ lực tham gia vào thương mại xuyên Á lớn đầu tiên của Washington trong gần một thập kỷ qua và được xem là cách để Mỹ đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Indonesia và các nước khác hy vọng IPEF có thể mở đường để tiếp cận IRA dù nước này chưa ký FTA với Mỹ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục