Mỹ sẵn sàng đối phó với trường hợp Triều Tiên phóng tên lửa từ tàu ngầm

09:22' - 12/12/2017
BNEWS Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định nước này đang "ở vị thế tốt", sẵn sàng ứng phó với tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) của Triều Tiên.

Phát biểu ngày 11/12, người phát ngôn Lầu Năm Góc - Đại tá Rober Manning cho biết tuy không thể khẳng định Triều Tiên sắp tiến hành phóng thử tên lửa, nhưng "với kho vũ khí được trang bị theo chiều sâu, chúng tôi có các khả năng và ở vào vị thế tốt để đối phó với vấn đề này". 

Theo Đại tá Manning, Mỹ đang giám sát chặt chẽ mọi động thái của Bình Nhưỡng, thận trọng cùng với các đối tác Hàn Quốc và Nhật Bản, các đối tác trong liên minh trong khu vực, "để đảm bảo rằng chúng tôi có thể đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào từ Triều Tiên".

Trước đó cùng ngày, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã bắt đầu cuộc tập trận chung về theo dõi và phát hiện tên lửa tại các vùng biển gần bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. Đây là hoạt động định kỳ nhằm tăng cường khả năng phối hợp giữa quân đội 3 nước, đồng thời là cuộc tập trận đầu tiên giữa 3 quốc gia này kể từ khi Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15 cuối tháng trước.

Các tàu chiến sẽ diễn tập các tình huống giả định trên máy tính, phát hiện và theo dõi mọi tên lửa đạn đạo của Triều Tiên và chia sẻ các thông tin liên quan. Nội dung diễn tập không bao gồm phá hủy tên lửa bị phát hiện.

Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh các chuyên gia Hàn Quốc hồi tuần trước cho biết đã phát hiện một số dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị tiến hành các hành động khiêu khích bằng SLBM mới mang tên Pukkungsong-3.

Truyền thông Nhật Bản cũng đề cập khả năng Triều Tiên sắp phóng SLBM. Báo Tokyo Shimbun hôm 6/12 đưa tin Triều Tiên đã sản xuất 5 phiên bản mẫu của tên lửa Pukkuksong-15. Kể từ tháng 8/2016, Triều Tiên chưa tiến hành bất kỳ vụ phóng SLBM nào.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng Triều Tiên đang "suy nghĩ hoang tưởng" khi tin rằng vũ khí hạt nhân sẽ đảm bảo an ninh của nước này, đồng thời hối thúc Bình Nhưỡng ngừng cách đánh giá sai lầm như vậy và tham gia đàm phán về giải trừ vũ khí hạt nhân.

Trong một cuộc phỏng vấn được Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) phát ngày 11/12, ông Moon nói: "Đó là lối suy nghĩ hoang tưởng khi những nước nhỏ như Triều Tiên, vốn bị tụt lại phía sau về kinh tế, cho rằng họ có thể bảo vệ an ninh của mình chỉ bằng vũ khí hạt nhân.

Thay vào đó, hòa bình và hợp tác liên Triều sẽ bảo vệ an ninh của họ. Do đó, điều hết sức quan trọng là Triều Tiên thay đổi nhận thức của họ về vấn đề hạt nhân và hướng tới việc giải trừ vũ khí hạt nhân".

Trong bối cảnh Bình Nhưỡng phải đối mặt với sự chỉ trích của quốc tế do những vụ thử hạt nhân và tên lửa của nước này, ngày 11/12, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tiến hành bỏ phiếu thông qua quyết định họp về cuộc khủng hoảng nhân quyền tại Triều Tiên, theo đề nghị của nhóm các nước Mỹ, Anh, Pháp, Thụy Điển, Italy, Nhật Bản, Senegal, Ukraine và Uruguay.

Với kết quả bỏ phiếu 10 phiếu thuận, 3 phiếu chống (của Trung Quốc, Nga và Bolivia) và 2 phiếu trắng, HĐBA đã quyết định cho phép cuộc họp này diễn ra. Đây sẽ là lần thứ tư một cuộc họp như vậy được tổ chức, kể từ năm 2014.

Phía Trung Quốc nhấn mạnh rằng việc HĐBA LHQ thảo luận về những cáo buộc vi phạm nhân quyền tại Triều Tiên sẽ "phản tác dụng" vào thời điểm căng thẳng đang tăng cao trên Bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, Mỹ lại cho rằng HĐBA cần thảo luận về vấn đề nhân quyền thường xuyên hơn như là một cách để thúc đẩy ngăn ngừa xung đột.

Một vấn đề gây tranh cãi cần có sự ủng hộ của ít nhất 9 thành viên để được đưa ra thảo luận tại HĐBA LHQ và việc phủ quyết không có tác dụng trong trường hợp này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục