Mỹ: Số phụ nữ đi làm giảm 4,2 triệu người

06:50' - 26/03/2021
BNEWS Thành viên Hội đồng Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Heather Boushey cho biết số phụ nữ đi làm hiện nay ở Mỹ đã giảm 4,2 triệu người so với tháng 2/2020, chủ yếu là do đại dịch COVID-19.
Phát biểu tại họp báo, bà Boushey nêu rõ hàng triệu phụ nữ đã phải giảm giờ làm vì họ đảm nhiệm phần lớn công việc chăm sóc con cái.

Bà nhấn mạnh sự phục hồi kinh tế Mỹ phụ thuộc vào việc nước này giải quyết thế nào đối với các rào cản ngăn phụ nữ tham gia đầy đủ vào lực lượng lao động. B

à Boushey lưu ý rằng gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD vừa qua của Chính phủ Mỹ sẽ giúp thay đổi tình hình đại dịch và mang lại sự hỗ trợ cần thiết cho phụ nữ, các hộ gia đình, những cộng đồng, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế công bằng hơn.

Theo bà, Mỹ cần làm nhiều hơn để thu hẹp khoảng cách về lương và có những bước đi nhằm đảm bảo toàn bộ phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ da màu, có cơ hội thành công.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế Cecilia Rouse lưu ý rằng ngày 24/3 là Ngày Bình đẳng về lương của Mỹ và đây là dịp để nước này nhìn lại phụ nữ trong năm qua phải nỗ lực nhiều như thế nào mới có thể bắt kịp thành tựu của nam giới.

Thống kê cho thấy phụ nữ làm việc toàn thời gian trong cả năm thường chỉ được trả trung bình 0,82 USD so với mỗi USD mà nam giới được trả.

Sự chênh lệch này càng lớn hơn đối với phụ nữ da màu và gốc Tây Ban Nha, với các mức lần lượt 0,63 USD và 0,55 USD.

Bà Rouse nhận định sự phân biệt giới khiến phụ nữ chịu thiệt hàng nghìn USD mỗi năm và hàng trăm nghìn USD trong cả cuộc đời.

Lập trường của nhà chức trách Mỹ là phải cung cấp các khoản hỗ trợ khi phụ nữ nghỉ ốm hoặc phải nghỉ làm để chăm sóc gia đình, giảm chi phí chăm sóc trẻ, thiết lập hệ thống đào tạo giúp phụ nữ có thể vươn lên các công việc có mức lương cao hơn. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đạt được mục tiêu này.

Trước thực trạng này, cố vấn kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris mong muốn Quốc hội thông qua Đạo luật Trả lương công bằng, coi đây là bước đi quan trọng hướng tới chấm dứt phân biệt đối xử giới, theo đó buộc chủ sử dụng lao động phải có trách nhiệm minh bạch và giải trình khi trả lương cho nhân viên.

Tuy nhiên, Phòng Thương mại Mỹ phản đối ý tưởng về đạo luật trên. Trong thư gửi Ủy ban Giáo dục và Lao động Hạ viện, cơ quan này cho rằng khó tách bạch các hành vi phân biệt đối xử với các yếu tố không phân biệt đối xử dẫn tới chênh lệch lương.

Theo Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Neil L. Bradley, các yếu tố như kinh nghiệm, trình độ học vấn, địa điểm và công việc ca kíp thường là nguyên nhân tạo nên khác biệt trong mức lương giữa các nhân viên làm cùng công việc trong một doanh nghiệp. Dự luật trên sẽ loại bỏ các yếu tố giúp chủ lao động có thể quyết định mức lương tương xứng dựa trên các yếu tố này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục