Mỹ thực thi chiến lược "bóp nghẹt" kinh tế Iran

10:29' - 30/06/2018
BNEWS Sau quyết định rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết năm 2015 Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực thi chiến lược "bóp nghẹt" kinh tế Iran.

Động thái mới nhất là lời cảnh báo ngày 26/6 từ Washington rằng các nước nên ngừng nhập khẩu dầu mỏ của Iran trước ngày 4/11, nếu không sẽ phải chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.

Thời điểm ngày 4/11 là đúng 6 tháng theo thòi hạn mà Tổng thống Trump tuyên bố khi thông báo quyết định rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran hay còn gọi là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) đượcc ký kết giữa Iran và 6 cường quốc gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức hồi năm 2015.

Ngày 8/5, ông Trump thông báo quyết định từ bỏ Thỏa thuận JPCOA mà ông cho là thiếu hiệu quả trong việc ngăn chặn Iran chế tạo bom hạt nhân, đồng thời tuyên bố nối lại những biện pháp trừng phạt trực tiếp đối với Iran và các nhà đầu tư, công ty quốc tế tiếp tục kinh doanh với Tehran.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: EPA/ TTXVN

Các công ty này có từ 90-180 ngày để rút khỏi thị trường Iran nếu muốn được tiếp tục làm ăn với Mỹ. Các công ty lớn của Pháp như Peugeot, Renault, Total đã phải chọn giải pháp này vì không hy vọng thuyết phục được Mỹ "đặc cách".

Các nước nhập khẩu dầu thô của Iran trước đó kỳ vọng Mỹ sẽ kéo dài thời gian để các nước giảm dần lượng dầu nhập khẩu bằng việc công bố tạm ngừng các lệnh cấm vận nhằm vào những nước có nỗ lực giảm tiêu thụ dầu mỏ của Iran. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ chính quyền Tổng thống Trump không có kế hoạch ngừng cấm vận, thay vào đó sẽ yêu cầu các nước xuất khẩu dầu mỏ ở Trung Đông trong thời gian tới bảo đảm nguồn cung cho các thị trường quốc tế.

Chưa dừng lại ở đó chỉ một ngày sau đó ( tức ngày 27/6), chính quyền Tổng thống Trump đã bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp nới lỏng trừng phạt đối với Iran, vốn được thực thi theo Thỏa thuận JPCOA.

Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ thông báo rằng Bộ đã thu hồi những giấy phép, vốn cho phép các công ty nước ngoài do Mỹ kiểm soát xuất khẩu các linh kiện máy bay thương mại đến Iran cũng như những công dân Mỹ được cấp phép kinh doanh các loại thảm, hạt dẻ cười và trứng cá muối của Iran. Bộ này yêu cầu các doanh nghiệp tham gia vào bất cứ giao dịch nào như thế đều phải giảm dần hoạt động trước ngày 6/8 tới nếu không sẽ phải đối mặt với biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Một loạt các giấy phép khác liên quan đến các loại hình thương mại khác, trong đó có việc thu mua dầu, cũng sẽ bị thu hồi trong vài tuần tới, theo đó các doanh nghiệp phải ngừng các hoạt động này trước ngày 4/11.

Có thể nói chính quyền của Tổng thống Trump đang đẩy mạnh nỗ lực cô lập Iran và nền kinh tế yếu kém của nước này khỏi các hệ thống tài chính và thương mại quốc tế.

Trước tình hình này truyền thông nhà nước Iran dẫn phát biểu của Thiếu tướng Yahya Rahim Safavi, Cố vấn quân sự hàng đầu của Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei, nêu rõ: "Nhiệm vụ chúng ta cần phải làm là phối hợp và hợp lực để giúp chính phủ và cơ quan khác vượt qua những khó khăn kinh tế". Ông Safavi hy vọng Iran sẽ khắc phục được những khó khăn về kinh tế do bị ảnh hưởng bởi những lệnh trừng phạt, bằng sự đoàn kết, nhất trí của nhân dân và các cơ quan chính phủ.

>>>Mỹ kêu gọi Nhật Bản ngừng nhập khẩu dầu mỏ từ Iran

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục