Mỹ tìm cách sửa đổi thỏa thuận hạt nhân Iran

06:30' - 29/09/2017
BNEWS Báo New York Times mới đây có bài viết bình luận rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm cách sửa đổi thỏa thuận hạt nhân Iran, với việc bổ sung thêm các điều khoản cứng rắn.
Tổng thống Donald Trump có đang tìm cách sửa đổi thỏa thuận hạt nhân? Ảnh: AFP/TTXVN

Theo bài viết, phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm 19/9, Tổng thống Donald Trump cho rằng bản Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) ký giữa Iran và Nhóm P5+1 là “nỗi hổ thẹn với nước Mỹ”.

Mặc dù, Liên minh châu Âu (EU) tuy lớn tiếng ủng hộ JCPOA, nhưng một số nhà lãnh đạo đã bắn tín hiệu sẵn sàng đàm phán về một thỏa thuận bổ sung mới. Nhưng hiện chưa rõ liệu Tổng thống Trump có thể đạt đồng thuận với các đồng minh EU và đặc biệt là Nga và Trung Quốc hay không. 

Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 20/9 đã tuyên bố JCPOA là vấn đề đã “đóng gói”, cảnh báo nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận, Iran sẽ nối lại hoạt động làm giàu urani.

Được ký kết vào năm 2015, JCPOA buộc Iran hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc quốc tế dỡ bỏ cấm vận. Theo quy định, cứ sau 90 ngày, Tổng thống Mỹ sẽ phải gửi thông báo tới Quốc hội, xác thực mức độ tuân thủ thỏa thuận của Iran và đánh giá xem JCPOA có thiết yếu với an ninh quốc gia của Mỹ hay không.

Cho đến nay, ông Trump đã hai lần công nhận Iran thực thi JCOPA, nhưng ngầm cho thấy sẽ làm khác đi tại lần chứng thực tới vào ngày 15/10.

Việc ông Trump nói “không” với Iran không đồng nghĩa với việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận. Trách nhiệm khi đó sẽ được chuyển sang cơ quan lập pháp. Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày xem xét tái áp đặt cấm vận chống Iran - hành động được coi là chấm dứt JCPOA, ít nhất là từ phía Mỹ.

Cũng có thể ông Trump tuyên bố không công nhận, hoặc đe dọa không công nhận Iran tuân thủ thỏa thuận là cách để gây áp lực buộc Tehran và Nhóm P5+1 tái khởi động đàm phán. Một khả năng khác nữa là ông Trump sẽ lại chứng thực Iran không vi phạm nếu các bên đồng ý tìm kiếm các vòng đàm phán mới. 

Trả lời báo chí ngày 20/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết "đã có quyết định về thỏa thuận hạt nhân Iran”, nhưng không đề cập chi tiết. Ông cũng giấu kín thông tin khi được hỏi về quyết định này trong cuộc trao đổi với Thủ tướng Anh Theresa May sau đó. 

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson có các cuộc tiếp xúc với đồng cấp Iran Javad Zarif và các nước nhóm P5+1. Ông Tillerson thừa nhận Iran tuân thủ thỏa thuận về mặt kĩ thuật và tất cả các bên đều thống nhất với đánh giá này của các thanh sát viên quốc tế.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng Iran vi phạm tinh thần thỏa thuận bằng các hoạt động gây bất ổn không được đề cập trong JCPOA, như hỗ trợ các nhóm khủng bố. 

Ngoại trưởng Mỹ cũng thừa nhận triển vọng thuyết phục các cường quốc khác và nhất là Iran xem xét lại thỏa thuận là rất khó khăn, nhưng lạc quan cho rằng có thể sẽ có bước tiến.

Trước đó, trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Fox News, Ngoại trưởng Tillerson cho biết Tổng thống Trump muốn sửa đổi lại JCPOA, với hai điều khoản then chốt nhất là tăng thời hạn Iran đóng băng chương trình hạt nhân và kiểm soát chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Tehran. Theo ông Tillerson, Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng phải có một số thay đổi.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để ngỏ khả năng này khi trao đổi với giới phóng viên tại Liên hợp quốc hôm 20/9.

Ông Macron cho biết Pháp muốn duy trì JCPOA vì đây là một thỏa thuận tốt, nhưng cũng ủng hộ bổ sung “hai hoặc ba trụ cột khác, hoặc các điều khoản khác” đối với thỏa thuận hiện hành, đặc biệt là về chương trình tên lửa đạn đạo và thời hạn đóng băng chương trình hạt nhân.

Theo một quan chức EU, quan điểm của Pháp đồng nghĩa với việc Iran và P5+1 vẫn giữ nguyên JCPOA, nhưng sẽ đàm phán về một thỏa thuận bổ sung.

Ông Trump sẽ phải đối diện với thách thức lớn khi thuyết phục Iran chấp nhận nhượng bộ sửa đổi JCPOA dưới một hình thức nào đó. Các lệnh cấm vận vốn là yếu tố quan trọng buộc Iran đi tới bàn đàm phán dưới thời Chính quyền Obama đã không còn. Ông Trump không có nhiều lựa chọn để gây sức ép.

Theo Wendy R. Sherman, người phụ trách đàm phán JCPOA của Mỹ, Tổng thống Trump có thể đề xuất đàm phán bổ sung nếu ông ta thấy có điểm gây quan ngại. Nhưng để làm được, Mỹ cần phải đưa ra một số nhượng bộ khác vì “muốn có được nhiều hơn, cũng sẽ phải cho đi nhiều hơn”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục