Mỹ - Trung không chỉ đơn thuần đối đầu nhau về thương mại? (Phần 2)

05:30' - 08/12/2018
BNEWS Theo Viện Brookings, Mỹ có mối quan ngại chính đáng về tiếp cận thị trường ở Trung Quốc, nhưng thuế quan không phải lúc nào cũng là vấn đề.
Hàng hóa được xếp tại cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: EPA-EFE/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm những việc mà Trung Quốc khó còn chỗ nào để giữ thể hiện. Ông đã liên tục nói rằng ông sẽ áp thêm thuế quan với Bắc Kinh nếu họ không có hành động thỏa đáng, ngay cả khi việc áp thuế này có nguy cơ làm tổn hại tới các lá phiếu cử tri của chính ông.

Tại tất cả cuộc họp quốc tế lớn, Washington đã và đang nhắc nhở cộng đồng toàn cầu rằng Bắc Kinh có lỗi trong mối quan hệ này.

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh APEC gần đây, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nói rằng Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) - một phần quan trọng của chính sách kinh tế và đối ngoại của Trung Quốc - sẽ dẫn đến thực trạng các quốc gia chết trong nợ nần. 

Ông cũng nói Mỹ đã cho đi nhiều hơn cái gọi là “vành đai thắt chặt hoặc đường một chiều”. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết các dự án của Trung Quốc thường trông vậy mà không phải vậy.

Và ngay cả trước thềm của cuộc họp G20, Larry Kudlow, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ, đã chỉ ra rằng sẽ không có thỏa thuận nào trừ khi “các vấn đề về đánh cắp tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc và thuế quan và hàng rào phi thuế quan” được giải quyết. 

Đó kể như là mọi thứ đã giúp đưa nền kinh tế Trung Quốc đến được vị thế hôm nay. Trung Quốc sẽ không muốn có thỏa thuận nào mà lại không có gì bù lại.

Nhưng trong những năm gần đây và đặc biệt kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, Trung Quốc đã tự khẳng định mình trên trường quốc tế. Đôi khi điều này là do khoảng trống do Mỹ để lại tại châu Á khi Washington bận rộn với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và các vấn đề trong nước. Trung Quốc đã thế vào vai trò cứu tinh tài chính, và có một cảm giác oán giận chính đáng tại Bắc Kinh rằng họ không nhận được sự công nhận xứng đáng.

Nhưng sau đó Trung Quốc cũng đã khởi động BRI - ban đầu được định ra như một cách để tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, nhưng ngày càng được xem là chủ nghĩa thực dân kinh tế của Trung Quốc. Hành động của Trung Quốc ở Biển Đông cũng khiến nhiều người ở Washington lo ngại về mục đích thực sự của Trung Quốc trong khu vực.

Vì vậy, cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh không chỉ đơn giản là về thương mại. Đó là một cách để chính quyền Trump cố gắng giữ cho Trung Quốc "ngồi một chỗ", và đó là lý do tại sao hai bên khó có thể đạt được một thỏa thuận thực chất. 

Và ngay cả khi Tổng thống Trump nói rằng ông có quan hệ cá nhân tuyệt vời với Chủ tịch Tập, chính quyền của ông nói rằng Trung Quốc đã lợi dụng sự hào phóng của Mỹ và phải thay đổi điều đó.

Vì thế chiến lược chung là "một bước tiến hai bước lùi". Trong bất kỳ đàm phán nào, cả hai bên đều cần phải rời bàn thương lượng với cảm giác như họ đã đạt được điều gì đó, nếu không một thỏa thuận sẽ không thể tồn tại. Mỹ và Trung Quốc bước đầu đã làm được như vậy bên lề Hội nghị G20 vừa qua. Nhưng sau đó thì sao nếu Mỹ-Trung không chỉ đơn thuần đối đầu nhau về thương mại?/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục