Mỹ trừng phạt Iran gây ra nguy cơ đối đầu trong khu vực

05:30' - 14/08/2018
BNEWS Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và khôi phục biện pháp trừng phạt chống Iran là "một trong những sai lầm lớn nhất về chính sách đối ngoại của Washington kể từ sau cuộc chiến tại Iraq".
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: TTXVN phát

Đó là nhận định của chuyên gia Ali Vaez thuộc Trung tâm nghiên cứu Khủng hoảng quốc tế (ICG) khi trả lời phỏng vấn hãng tin AFP.

Trong một hội nghị mới đây ở Washington, ông Ali Vaez cảnh báo rằng trừng phạt Iran “từ những sai lầm nhỏ có thể gây ra một cuộc đối đầu thảm khốc trong khu vực".

Khi được hỏi về chiến lược của chính quyền Trump chống lại Iran, chuyên gia này cho rằng Chính phủ Mỹ dường như đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều. Tổng thống Donald Trump đang bị lôi cuốn với tham vọng sẽ tạo ra một thỏa thuận hạt nhân với Iran “lớn hơn, rộng hơn và tốt hơn” so với thỏa thuận dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Và ông Trump sẽ giải quyết nhiều vấn đề cùng một lúc ở Trung Đông, từ Syria đến Yemen và đó sẽ là một viễn cảnh hấp dẫn đối với một bậc thầy đàm phán như ông.

Tuy nhiên, với các cố vấn và quan chức nội các của Tổng thống, từ Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton cho đến Ngoại trưởng Mike Pompeo, mục tiêu của họ là làm suy yếu đáng kể hệ thống chính trị của Iran, hoặc thậm chí có khả năng thay đổi chế độ.

Theo ông Ali Vaez, rõ ràng đây sẽ là một trong những sai lầm lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ cuộc chiến ở Iraq. Thế giới phải đặt mình vào vị trí của những nhà lãnh đạo Iran để tìm các bằng chứng logic cho nhận định này.

Nếu Iran quyết định chống lại các lệnh trừng phạt và tái khởi động chương trình hạt nhân thì Israel hoặc Mỹ có thể tấn công Iran và chỉ gây mất ổn định đất nước Iran tại thời điểm đó. Thế nên, một tính toán sai lầm có thể gây ra một cuộc đối đầu thảm khốc cho khu vực. 

Còn về khả năng Tehran quay trở lại bàn đàm phán, ông Ali Vaez nhấn mạnh rằng "khả năng đàm phán giữa Iran và Mỹ ở giai đoạn này là gần như bằng không”. Iran sẽ phải chịu đựng “cơn bão” trong 2 năm tới, nghĩa là cho đến khi Tổng thống Trump hết nhiệm kỳ.

Vấn đề đặt ra là vẫn còn các bên ký kết khác của Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 gồm Đức, Trung Quốc, Pháp, Anh, Nga, và cả Liên minh châu Âu (EU), có thể giúp Iran rút ngắn thời gian. Vì vậy, đây thật sự là một “cuộc đua với thời gian cầm quyền của Donald Trump”.

Do mức độ hội nhập với nền kinh tế Mỹ, người châu Âu có thể hạn chế trao đổi kinh tế với Iran. Trong khi đó, Nga, Trung Quốc và kể cả Ấn Độ sẽ có nhiều không gian hơn để duy trì các tuyến đường thương mại với Iran và giúp nước này có thể vượt qua “cơn bão” do Donald Trump mang đến.

Về ảnh hưởng đến nền kinh tế Iran, ông Ali Vaez cho biết "Iran gặp nhiều vấn đề kinh tế, phần lớn do cấu trúc nền kinh tế của nước này và một phần do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt của Mỹ chắc chắn sẽ gây thiệt hại đáng kể cho Iran.

Làn sóng trừng phạt đầu tiên không ảnh hưởng quá lớn vì các tác động tâm lý từ việc khôi phục các lệnh trừng phạt của Mỹ đã bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế Iran cách đây 3 tháng. Tuy nhiên, việc trừng phạt nhắm vào khả năng xuất khẩu dầu của Iran - trái tim của nền kinh tế nước này - sẽ gây hậu quả nghiêm trọng hơn cho Iran.

Nhưng đây không phải là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo Iran đối mặt với sự trừng phạt, họ biết cách xử lý chúng. Chắc chắn rằng họ sẽ không hài lòng với tình hình kinh tế khó khăn và nhiều cuộc biểu tình lan rộng trên khắp đất nước.

Tuy nhiên, các nguy cơ này “không được kết nối với nhau” và phe đối lập không có người lãnh đạo và không có sự thay thế khả thi nào đối với hệ thống chính trị. Chế độ Iran cũng có khả năng và ý chí đủ mạnh để trấn áp các “biến cố” này. Do đó, việc “chính phủ hoặc chế độ Tehran sẽ sụp đổ trong hai năm tới” sẽ khó xảy ra./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục