Mỹ, Trung Quốc có thể bước vào thời kỳ căng thẳng mới

14:40' - 30/05/2018
BNEWS Quan hệ Mỹ Trung có thể bước vào thời kỳ căng thẳng mới khi mà ngay trước thềm cuộc đàm phán thương mại hai nước, chính quyền Mỹ lại dọa áp đặt thuế quan với hàng nhập khẩu Trung Quốc.

Trước thềm cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung tiếp theo, dự kiến diễn ra tại Bắc Kinh vào ngày 2-4/6 tới, chính quyền của Tổng thống Donald Trump thông báo đã đạt được một thỏa thuận để Công ty cổ phần hữu hạn viễn thông Trung Hưng (ZTE) duy trì hoạt động và tránh được nguy cơ phá sản do các lệnh trừng phạt của Washington, bất chấp sự phản đối của các nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ và một số nghị sỹ đảng Cộng hòa.

Theo đó, ZTE cần đảm bảo an ninh mức độ cao, thay thế ban giám đốc điều hành và quản lý, phải mua linh kiện do Mỹ sản xuất và nộp khoản phạt 1,3 tỷ USD.

Tuy nhiên, sáng 29/5, chính quyền Tổng thống Donald Trump lại phát đi một thông điệp cứng rắn, bất ngờ tới các đối tác Trung Quốc, khi nói rằng Mỹ chuẩn bị thực hiện lời đe dọa áp đặt thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc đồng thời có những bước đi khác nữa để hạn chế Bắc Kinh tiếp cận những công nghệ nhạy cảm của Mỹ (có thể là ngay trong tháng Sáu tới).

Ngay lập tức Bộ Thương mại Trung Quốc đã lên tiếng rằng thông điệp mới của Washington đi ngược lại sự đồng thuận mà hai bên mới đạt được sau các vòng tham vấn thương mại song phương hồi giữa tháng này.

Có thể nói động thái mới nhất của Mỹ và phản ứng của Trung Quốc đang có nguy cơ đẩy quan hệ thương mại song phương sang một giai đoạn căng thẳng mới, xóa nhòa những " thành quả" mà hai bên phải hết sức nhượng bộ mới có thể đạt được trong các cuộc đàm phán nước rút gần đây.

Trước đó, gác lại sự khác biệt và có nhiều nhượng bộ, Mỹ và Trung Quốc đã đi đến sự đồng thuận để tránh cuộc chiến thương mại song phương mà nếu xảy ra không chỉ gây thiệt hại cho hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, mà còn lan rộng và đe dọa đà phục hồi của nền kinh tế thế giới.

Các thỏa thuận trước

Kết thúc hai ngày thương thảo cam go tại Washington trong khuôn khổ vòng đàm phán Mỹ - Trung thứ hai về thương mại, Mỹ vẫn không thuyết phục được Trung Quốc đưa ra con số cụ thể để giảm thặng dư thương mại.

Thay vào đó, tuyên bố chung giữa hai nước chỉ viết rằng Washington và Bắc Kinh khẳng định nhất trí hướng đến mục tiêu “giảm đáng kể” tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc vào khoảng 375,2 tỷ USD (theo số liệu của Mỹ, còn số liệu của Trung Quốc là khoảng 275,8 tỷ USD) trong năm 2017.

Hai bên cam kết sẽ có “các biện pháp hiệu quả”, đặc biệt làm gia tăng hàng nhập khẩu từ Mỹ trong hai lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng

Về phần mình Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ để “đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng Trung Quốc”.

Đổi lại Mỹ cũng không hề nhắc đến đến việc áp dụng các biện pháp tăng thuế lên tới 50 tỷ USD với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, dự kiến sẽ có hiệu lực vào cuối tháng này hoặc đầu tháng tới. Nếu Mỹ chưa hành động, Trung Quốc cũng sẽ không áp dụng các biện pháp trả đũa về thuế quan có giá trị tương đương.

Nhật báo China Daily dẫn lời Phó Thủ tướng Lưu Hạc, người dẫn đầu đoàn đàm phán Trung Quốc, cho rằng các cuộc đàm phán đã được chứng minh là "tích cực, thiết thực, mang tính xây dựng và hữu ích. Phó Thủ tướng Lưu Hạc khẳng định hai nước Trung Quốc và Mỹ sẽ tăng cường hợp tác thương mại trên các lĩnh vực năng lượng, nông sản, y tế, sản phẩm công nghệ cao và tài chính.

Điều này không chỉ có thể thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc chuyển hướng sang phát triển chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của người dân, mà còn giúp Mỹ giảm thâm hụt thương mại. Như vậy đây là sự lựa chọn để "đôi bên cùng thắng".

Đồng thời, hai bên cũng sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực đầu tư vào thị trường của nhau và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Điều này sẽ không chỉ có lợi cho hai nước mà còn góp phần vào sự ổn định và thịnh vượng của kinh tế - thương mại toàn cầu.

Ông Lưu Hạc còn nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ trở thành thị trường lớn nhất trên thế giới. Thị trường này có tính cạnh tranh cao, nếu muốn giành được thị phần ở thị trường Trung Quốc, các nước xuất khẩu phải nâng cao khả năng cạnh tranh về sản phẩm và dịch vụ của mình, bởi như vậy người dân Trung Quốc mới sẵn sàng mua. Trung Quốc không chỉ sẵn sàng mua các sản phẩm từ Mỹ mà còn từ khắp nơi trên thế giới.

Theo tờ “Thời báo Hoàn Cầu”, nếu hai nước hợp tác với nhau để duy trì các mối quan hệ thương mại ổn định, thì quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ trở nên mạnh hơn nhiều, và cả hai bên đều có thể được hưởng lợi từ cơ chế hợp tác cùng thắng này.

Mỹ sẽ có cơ hội giảm thiểu thâm hụt thương mại của nước này với Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh sẽ đạt được sự nhất quán trong việc mua hàng hóa của Mỹ để mang lại lợi ích cho sự phát triển của đất nước và xã hội.

Washington đã cam kết phá bỏ sự kiểm soát đối với hoạt động xuất khẩu năng lượng sang Trung Quốc, qua đó sẽ làm đa dạng hóa các kênh nhập khẩu năng lượng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Phía Mỹ cũng sẽ bán nhiều sản phẩm nông nghiệp hơn nữa cho Trung Quốc - điều này cũng tương đương với việc “xuất khẩu” công nghệ và sản phẩm nông nghiệp Trung Quốc.

Cùng gỡ khó cho ZTE

Theo Tờ Financial Times, Trung Quốc đã bày tỏ thiện chí mua thêm hàng hóa xuất khẩu của Mỹ, song không chấp nhận yêu cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc cắt giảm 200 tỷ USD thặng dư thương mại với Mỹ, do hai bên không đạt được nhất trí về các biện pháp tháo gỡ "khó khăn" cho ZTE của Trung Quốc.

Với 70.000 nhân viên trên toàn cầu, ZTE là một trong những nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và đang chịu các biện pháp trừng phạt của Washington.

Điều đáng nói là không lâu sau khi Bộ Thương mại Mỹ cấm các công ty Mỹ bán phần mềm và linh kiện cho doanh nghiệp viễn thông này trong vòng 7 năm do vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên và Iran thì Tổng thống Donald Trump bất ngờ đề cập đến việc Mỹ sẽ có hành động can thiệp để ngăn chặn ZTE phá sản.

Và để hiện thực hóa điều này trước thềm cuộc đàm phán thương mại quan trọng giữa hai nước, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cho biết Mỹ có ý định xem xét cân nhắc "các giải pháp thay thế" đối với những biện pháp trừng phạt mà Mỹ đã áp đặt đối với ZTE, khiến họ phải ngừng hoạt động và đứng trước nguy cơ phá sản.

Financial Times nhận định rằng việc giới chức hai bên không đạt được sự đồng thuận nào về vấn đề ZTE là do chính quyền Tổng thống Trump vấp phải sự phản kháng mang tính chính trị nhằm "đảo ngược" cam kết trước đó của ông Trump với Bắc Kinh là đưa ZTE nhanh chóng trở lại hoạt động kinh doanh.

Trong khi đó, giải quyết vụ việc của ZTE lại là một ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc. Lý do mà các nghị sĩ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ viện dẫn là những quan ngại về an ninh lâu nay của các cơ quan tình báo Mỹ về ZTE.

Còn theo Chris Johnson, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, giới chức Mỹ lâu nay lo sợ khả năng hai bên đi đến một “thỏa thuận nhỏ” - giải quyết vấn đề ZTE để đổi lấy việc Trung Quốc thực hiện cam kết không đánh thuế hàng nông sản xuất khẩu của Mỹ - nếu không có sự đảm bảo nào để đạt được một thỏa thuận sau này nhằm giải quyết những quan ngại lớn hơn của Mỹ đối với các chính sách phát triển công nghiệp và đầu tư nước ngoài của Bắc Kinh.

Mặc dù Mỹ vẫn chiếm ưu thế trong nhiều công nghệ thương mại và quân sự, song Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách này với tốc độ khiến Washington lo ngại.

Kế hoạch "Made in China 2025” (Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025) của Bắc Kinh, theo đó dành những nguồn lực kinh tế khổng lồ cho đổi mới, đang khiến chính quyền Tổng thống Trump đặc biệt lo lắng vì mục tiêu của kế hoạch này là vượt Mỹ trong những công nghệ tối tân như robot, trí tuệ nhân tạo và đưa tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm lên tới 70% vào năm 2025.

Cuối tháng này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ sẽ công bố những biện pháp mới hạn chế Trung Quốc đầu tư và mua lại trong các lĩnh vực chiến lược của Mỹ như công nghệ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục