Mỹ ủng hộ nỗ lực phát hành trái phiếu “xanh”

11:42' - 04/11/2021
BNEWS Mỹ tuyên bố ủng hộ cơ chế thị trường vốn mới, cho phép phát hành trái phiếu và huy động nguồn tài chính mới để thúc đẩy năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng bền vững tại các nền kinh tế mới nổi.

Nhấn mạnh tính cấp thiết của việc hành động để ngăn chặn tình trạng nóng ấm toàn cầu, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã phát biểu tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), rằng Mỹ sẽ cùng Vương quốc Anh ủng hộ Cơ chế Thị trường Vốn mới của Quỹ Đầu tư Khí hậu (CIF).

Bà Yellen cho biết sáng kiến trên sẽ giúp thu hút các quỹ khí hậu tư nhân mới và cung cấp 500 triệu USD mỗi năm cho Quỹ Công nghệ Sạch của CIF, cũng như chương trình đầu tư chuyển đổi than mới của quỹ này.

CIF được thành lập vào năm 2008 nhằm huy động các nguồn lực và đầu tư vào các nước có thu nhập thấp và trung bình. Quỹ đã thu hút được khoảng 10,5 tỷ USD từ cam kết đóng góp của 14 quốc gia và tác động được nguồn quỹ trị giá 61 tỷ USD từ các nguồn khác cho những dự án cho đến nay đã mang lại lợi ích cho 72 quốc gia.

Tại hội nghị, bà Yellen khẳng định cuộc khủng hoảng liên quan đến biến đổi khí hậu không phải là thách thức đối với các thế hệ tương lai, mà là thách thức mà các nước trên thế giới phải đương đầu ngày hôm nay. Bà Yellen cho biết thêm bà là Bộ trưởng Tài chính Mỹ đầu tiên tham gia hội nghị khí hậu thường niên của Liên hợp quốc. Đây là dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của vấn đề này.

Bà nhấn mạnh thêm lý do khiến bà tham gia hội nghị là vì biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề môi trường hay vấn đề năng lượng. Đây là vấn đề về phát triển kinh tế và có thể gây mất ổn định đến các thị trường. Theo bà Yellen, bà sẽ không tròn làm trách nhiệm của mình nếu không đưa ra những cảnh báo nghiêm túc về vấn đề này.

Bà ước tính để hoàn thành mục tiêu giảm mức phát thải xuống 0, các nước dự kiến sẽ cần từ 100.000-150.000 tỷ USD trong ba thập kỷ tới và đây là cơ hội to lớn cho tăng trưởng và đầu tư. CIF tính toán rằng cơ chế thị trường vốn mới có thể tạo ra 50 tỷ USD cho các nước đang phát triển trong thập kỷ tới.

Theo chương trình, CIF cho biết họ sẽ sử dụng các tài sản hiện có của Quỹ Công nghệ Sạch để phát hành trái phiếu, và sau đó giải ngân chúng thông qua các ngân hàng phát triển đa phương. Giám đốc điều hành CIF Mafalda Duarte cho biết các nền kinh tế mới nổi cần nhiều nguồn lực hơn để hiện thực hóa tham vọng về chống biến đổi khí hậu.

Các nước đang phát triển chiếm tới 2/3 dân số thế giới và đang trên đà tiêu thụ 70% nguồn năng lượng, nhưng đầu tư vào năng lượng sạch đang bị tụt hậu và có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nỗ lực đạt được mục tiêu không phát thải vào năm 2050.

Bà Yellen cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch tăng gấp 4 lần khoản hỗ trợ tài chính chống biến đổi khí hậu của Mỹ cho các nước đang phát triển vào năm 2024 lên hơn 11 tỷ USD, song khu vực tư nhân cũng cần góp sức./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục