Mỹ và Anh có dễ dàng đạt được một thỏa thuận thương mại tự do?

05:30' - 12/06/2019
BNEWS Trong chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Vương quốc Anh, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất đàm phán về một thỏa thuận thương mại giữa hai nước.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Theresa May trong cuộc hội đàm ở London. Ảnh: AFP/TTXVN 

Với danh nghĩa đang thuộc Liên minh châu Âu (EU), nước Anh không thể ký kết các hiệp định song phương vào lúc này.

Tuy nhiên, “một khi Anh được giải phóng khỏi những vòng xiềng xích, thỏa thuận này có thể thực hiện được”, ông Trump nhấn mạnh như vậy trên Twitter. Bình luận về vấn đề này, báo chí châu Âu đã có nhiều góc nhìn khác nhau

Tuần báo chính trị The Spectator của Anh nhận xét Tổng thống Mỹ Donald Trump là người khoan hòa với Chính phủ Anh hơn là người tiền nhiệm Barack Obama.

Theo The Spectator, chính quyền của ông Trump muốn đề xuất một thỏa thuận thương mại với Anh và ông đã khẳng định một khi rời EU, Vương quốc Anh sẽ là nước đầu tiên trong “danh sách lựa chọn” của Mỹ.

Không thể phủ nhận đề xuất của ông Trump là một tín hiệu tốt lành với London. Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu hàng đầu của Anh. Đây là một cơ hội mà nước Anh cần nắm lấy.

Nhật báo Ireland The Irish Time lại lo ngại cho rằng, một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Anh sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới Ireland. Các nhà đàm phán Mỹ đã cho thấy rõ rằng họ sẽ áp đặt các điều kiện của thỏa thuận liên quan tới các sản phẩm nông nghiệp, các quy định về bảo vệ người lao động và tiêu chuẩn môi trường.

Trong trường hợp này, biên giới Ireland sẽ là tâm điểm xung đột giữa Mỹ, EU và Anh. Kinh tế Ireland phụ thuộc vào hoạt động thương mại với hai đối tác lớn này, nay xung đột xảy ra sẽ đặt ra cho Ireland những thử thách hết sức khó khăn.

Còn nhật báo La Vanguardia của Tây Ban Nha nhận định Vương quốc Anh có thể sẽ gặp phải những bất ngờ không mấy dễ chịu trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ. Theo La Vanguardia, danh sách các “nạn nhân” của ông Trump rất dài, từ Mexico tới Trung Quốc rồi đến EU. Và không có gì đảm bảo nước Anh sẽ không nằm trong danh sách đó. 

Nếu như cuối cùng nước Anh lựa chọn một Brexit không thỏa thuận, thì nước này có thể tìm cách tăng cường quan hệ với Mỹ - đồng minh truyền thống của Anh, như những người ủng hộ Brexit tuyên bố. Tuy nhiên, trên bàn đàm phán, Mỹ sẽ ở thế thượng phong và có thể sẽ buộc người Anh phải có những nhượng bộ mà họ không mong muốn.

Cùng quan điểm với La Vanguardia, nhật báo Adevărul của Romania cho rằng nước Anh sẽ là nạn nhân tiếp theo của Mỹ và người Mỹ sẽ là những người được hưởng lợi đầu tiên từ thỏa thuận thương mại song phương. Adevărul cho rằng một số quy định của thỏa thuận sẽ cho phép Mỹ tiêu thụ nông sản của họ tại thị trường Anh.

Lĩnh vực này rất dễ bị tổn thương vì sau tranh chấp thương mại với Mỹ, nhiều thị trường lớn trên thế giới đã nâng thuế đánh vào hàng hóa Mỹ tới mức các sản phẩm của Mỹ không thể cạnh tranh được tại những thị trường này.

Mặt khác, một lượng lớn sản phẩm của Mỹ không tìm được thị trường tiêu thụ trên thế giới do chúng là sản phẩm biến đổi gien, hoặc có chứa hormone tăng trưởng hay quá trình sản xuất có sử dụng thuốc trừ sâu bị cấm tại EU.

Theo hãng tin Reuters, cả Anh và Mỹ sẽ cần xác định phạm vi đàm phán nhưng xét trên những kinh nghiệm trước đây về các thỏa thuận của Washington với các đối tác thương mại khác, có thể thấy được những giới hạn trong sự lựa chọn của London trên bàn đàm phán.

Việc quan chức Mỹ đề cập đến khả năng đưa Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) - hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ của Anh – vào nghị trình đàm phán thỏa thuận thương mại đã gây ra một sự náo động tại Anh. Có hai lĩnh vực mà Washington quan tâm.

Thứ nhất, Mỹ muốn các công ty Mỹ được phép tham gia đấu thầu các hợp đồng của NHS. Thứ hai, Washington muốn đàm phán về mức giá tham chiếu mà NHS đặt ra đối với dược phẩm nhập khẩu.

Về vấn đề này, Anh có thể không đồng ý đưa lĩnh vực dịch vụ y tế vào các cuộc đàm phán thương mại, tương tự như việc Pháp đã làm đối với dịch vụ nghe nhìn trong khi đàm phán Hiệp định Đối tác Đầu tư và Thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa

Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. NHS chi tiêu tổng cộng 144,3 tỷ bảng Anh (183 tỷ USD) trong năm 2016-2017, theo một báo cáo công bố hồi tháng 4/2018 của Hạ viện Anh. Dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy chi tiêu bình quân đầu người cho dịch vụ y tế ở Anh là 4.246 USD năm 2017, so với mức trung bình 3.992 USD của các nước thành viên OECD và mức bình quân 10.209 USD ở Mỹ. 

Bên cạnh đó, đạo luật “Mua hàng Mỹ" là rào cản đối với bất kỳ đối tác thương mại tiềm năng nào của Mỹ. Đạo luật này cùng một loạt luật khác quy định rằng chính quyền liên bang, tiểu bang và địa phương nên mua hàng hóa do Mỹ sản xuất bất cứ khi nào có thể.

Mua sắm công là một lĩnh vực mà Washington không hề sẵn sàng “bật đèn xanh”. Một điều phức tạp hơn nữa là chính quyền trung ương không thể đàm phán về những gì mà thuộc thẩm quyền của giới chức tiểu bang hoặc địa phương.

Trong lĩnh vực hàng công nghiệp, trong thời điểm trước Brexit, hàng hóa trao đổi giữa Anh và Mỹ chịu mức thuế khá thấp. Tuy nhiên, một trong những yêu cầu của Mỹ là giảm hoặc loại bỏ thuế nhập khẩu ô tô.

Hiện Anh áp mức thuế 10% đối với ô tô nhập khẩu từ Mỹ, trong khi mức thuế tương tự mà Mỹ áp lên ô tô nhập khẩu từ Anh là 2,5%. Washington cũng bày tỏ mong muốn tương tự đối với quần áo và dệt may.

Theo thống kê của EU, Anh ghi nhận thặng dư thương mại trong trao đổi hàng hóa với Mỹ giai đoạn 2014-2016 nhưng sau đó đã chuyển sang thâm hụt nhẹ trong năm 2017 và 2018.

Điều này có thể cải thiện vị thế thương lượng của Anh trước chính quyền Mỹ khi mà ông Trump đang nỗ lực giảm thâm hụt thương mại của nước này với các đối tác. Tuy nhiên, trong lĩnh vực dịch vụ, Anh có mức thặng dư lớn với Mỹ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục