Năm 2016, kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá và ổn định

13:22' - 28/12/2016
BNEWS Tăng trưởng kinh tế chưa có sự bứt phá, song vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá cao và ổn định là một thành công trong quản lý điều hành của Chính phủ.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm (giữa). Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp báo Công bố về tình hình kinh tế xã hội năm 2016 của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 28/12, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế chưa có sự bứt phá, song vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá cao và ổn định là một thành công trong quản lý điều hành của Chính phủ.

Các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tăng trưởng GDP năm 2016 ước tăng 6,21%.

Trong mức tăng 6,21% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,36%, đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,57%, đóng góp 2,59 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,98%, đóng góp 2,67 điểm phần trăm.

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm chỉ ra, mức tăng trưởng GDP năm 2016 thấp hơn năm 2011 (6,24%) và năm 2015 (6,68%) song cao hơn các năm 2012 (5,25%), năm 2013 (5,42%) và 2014 (5,98%).

Điều này cho thấy mức tăng trưởng kinh tế năm 2016 tuy không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra là 6,7%, chưa có sự bứt phá, song xét về tăng trưởng của các ngành kinh tế thì ngoại trừ ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng thấp 1,36%, công nghiệp khai khoáng giảm 4%, các khu vực, ngành kinh tế còn lại đều có mức tăng trưởng tốt như: khu vực dịch vụ đạt 6,98% (năm 2015 đạt 6,33%), ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt 11,9% (năm 2015 đạt 10,6%), ngành xây dựng đạt 10% (năm 2015 đạt 10,82%) ...

Nền kinh tế vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lý, quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 5,48%, quý II tăng 5,78%, quý III tăng 6,56% và quý IV tăng 6,68%).

Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia cho biết, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước và có sự bứt phá ở quý III và quý IV.

Hầu hết các ngành kinh tế đều có mức tăng cao hơn so với năm 2015; trong đó, 15/21 ngành có mức tăng trưởng khá; đặc biệt, mức tăng cao nhưng không phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên. Xuất siêu hàng hóa quay trở lại, trong bối cảnh, thương mại quốc tế trầm lắng. Đây là cố gắng của nền kinh tế Việt Nam.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, một số chỉ tiêu kinh tế thể hiện dấu hiệu tích cực của nền kinh tế như: chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của 11 tháng tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2015; chỉ số tồn toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/12/2016 tăng 8,1% so với cùng thời điểm năm 2015.

Đây cũng là mức tồn kho thấp nhất trong nhiều năm qua; chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/12/2016 tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 2,9% so với cùng thời điểm năm trước.

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp nhấn mạnh: “Hầu hết các ngành công nghiệp đều có mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước trừ hoạt động khai khoáng, cụ thể là cả dầu thô và than đều sụt giảm mạnh so với năm 2015 đã kéo tốc độ tăng của toàn ngành. Đặc biệt, trong năm 2016, nền kinh tế đã giảm phụ thuộc khai khoáng mà tăng mạnh ở các ngành chế biến chế tạo, có mức độ sản xuất ổn định và an toàn. Điều này, đã giúp cho tăng trưởng của nền kinh tế đạt cao trong năm nay”.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2016 ước đạt 3.527,4 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm trước, cao hơn mức tăng 9,8% của năm 2015.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2016 ước đạt 175,9 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2015. Nếu loại trừ yếu tố giá giảm, kim ngạch xuất khẩu tăng 10,6% thay vì 8,6% do giá xuất khẩu bình quân chung giảm 1,8%. Dự ước nhập khẩu năm 2016 kim ngạch đạt 173,2 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm 2015.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, từ đầu năm đến thời điểm 26/12/2016, tổng vốn đăng ký của dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 24,4 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm 2015. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2015 ước tính đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 năm 2016 tăng 0,23% so với tháng trước; tăng 4,74% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân năm 2016 so với năm 2015 tăng 2,66%.

Đối với hoạt động doanh nghiệp, trong năm 2016, cả nước có 110.100 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 891,1 nghìn tỷ đồng, tăng 16,2% về số lượng doanh nghiệp và tăng 48,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015.

Đây là số doanh nghiệp tăng cao kỷ lục từ trước đến nay và là lần đầu tiên nước ta có trên 100 nghìn doanh nghiệp thành lập trong một năm....

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm dự báo, tình hình kinh tế năm 2017 sẽ khó khăn nhiều hơn thuận lợi.

Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% năm 2017 là khá cao trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, phục hồi chậm.

Trong khi, kinh tế nước ta có độ mở cao, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu; năng suất lao động tăng chủ yếu vẫn dựa vào thay đổi cơ cấu ngành kinh tế, năng suất của từng ngành vẫn tăng chậm, ở mức thấp trong khu vực và trên thế giới; nợ xấu và nợ công của nền kinh tế ở mức cao, hệ thống tín dụng còn nhiều rủi ro…

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017, Tổng cục Thống kê đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, xây dựng Chính phủ kiến tạo, giúp doanh nghiệp, người dân đầu tư mở rộng sản xuất, thành lập doanh nghiệp mới... ; đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Tiếp tục đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp bảo đảm công khai, minh bạch, tránh thất thoát tiền và tài sản nhà nước.

Ông Hà Quang Tuyến cũng nhấn mạnh đến giải pháp cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.

Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, xử lý các vướng mắc về cơ chế, tạo thuận lợi cho việc mở rộng tín dụng phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống và quyền lợi của người gửi tiền.

Bên cạnh đó, cần tập trung thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường, thích nghi với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu, bao gồm cả thị trường truyền thống và các thị trường có sức mua tiềm năng cao.

Chủ động xây dựng và thực hiện các phương án, giải pháp để ứng phó trước các diễn biến mới liên quan đến TPP, Brexit; đồng thời, phát triển mạnh thị trường trong nước, hệ thống bán lẻ gắn với tiêu thụ hàng nội địa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục