Năm 2017 Bắc Giang phát hiện gần 2.000 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

18:55' - 03/01/2018
BNEWS Năm 2017, qua công tác thanh kiểm tra, tỉnh Bắc Giang phát hiện gần 2.000 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm.
Lực lượng QLTT kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại siêu thị Coopmart Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị kiểm điểm công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 do UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức ngày 3/1.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bắc Giang, năm 2017 tỉnh Bắc Giang thành lập 842 đoàn, tổ kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm; tiến hành thanh kiểm tra trên 10.500 cơ sở thực phẩm, phát hiện gần 2.000 cơ sở có vi phạm về an toàn thực phẩm.

Các cấp tiến hành xử phạt 528 vụ vi phạm, khởi tố 1 vụ với hành vi vi phạm về làm mì chính giả.

Ngoài ra, các đơn vị chức năng ngành công an, công thương, nông nghiệp đã tịch thu trên 2.300 lít rượu, buộc tiêu hủy 14.000 con gia cầm giống, 540 kg lợn không rõ nguồn gốc… với giá trị tang vật vi phạm ước tính trên 900 triệu đồng.

Các lỗi vi phạm an toàn thực phẩm chủ yếu như: cơ sở thực phẩm chưa chấp hành việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; không có giấy đăng ký kinh doanh; vi phạm về ghi nhãn hàng hóa; điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị không đạt quy định; người trực tiếp chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa khám sức khỏe định kỳ theo quy định; không thực hiện kiểm dịch vận chuyển và kinh doanh sản phẩm động vật nhập lậu; kinh doanh, vận chuyển thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, công tác quản lý an toàn thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn do chế tài xử phạt vi phạm còn thấp; trang thiết bị phục vụ công tác thanh kiểm tra còn thiếu; hành vi vi phạm của các đối tượng ngày càng tinh vi; trình độ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm còn thiếu và yếu.

Đồng thời, còn hiện tượng chồng chéo kiểm tra các cơ sở thực phẩm; sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong quản lý an toàn thực phẩm chưa đồng bộ; nhiều xã, phường chưa quyết liệt trong quản lý, thực hiện; nguồn lực đầu tư cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm còn thấp.

Để đảm bảo công tác an toàn thực phẩm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho rằng: Các cấp ngành cần tránh tư tưởng chủ quan trong đảm bảo an toàn thực phẩm và đề nghị năm 2018 cấp xã phải thống kê và phân loại được các đối tượng quản lý về an toàn thực phẩm.

Sở Y tế phối hợp với các cấp, ngành trang bị kiến thức an toàn thực phẩm cho từng đối tượng phù hợp, bổ sung trang thiết bị kiểm tra tối thiểu cho cấp huyện, xã. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo hướng đổi mới; tập trung đảm bảo an toàn thực phẩm trong nhóm có nguy cơ cao như công nhân, học sinh.

Tỉnh Bắc Giang kiến nghị, Chính phủ cần kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước về an toàn thực phẩm từ trung ương đến cơ sở, triển khai công tác thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm tại cấp huyện, xã; tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại các cấp, có cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm; quy định mục lục chi ngân sách cho công tác an toàn thực phẩm tại cấp huyện, xã.

Các bộ, ngành trung ương đầu tư xây dựng hệ thống cảnh báo nguy cơ an toàn thực phẩm tại các cấp; tăng cường tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu cho cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm; sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với từng nhóm thực phẩm, sản phẩm thực phẩm, thực phẩm hỗn hợp để có căn cứ quản lý, kiểm soát./.

Xem thêm:

>>>Đà Nẵng Thành lập Ban quản lý an toàn thực phẩm thành phố

>>>Đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn giao thông trong các dịp Lễ, Tết

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục