Năm 2017, tiếp tục củng cố “niềm tin kinh doanh” thúc đẩy phát triển kinh tế

15:56' - 01/02/2017
BNEWS Năm 2017, tinh thần cải cách, hỗ trợ từ Chính phủ cũng sẽ tiếp tục được lan toả từ Trung ương tới địa phương, góp phần lành mạnh hoá, minh bạch hoá môi trường kinh doanh
Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Kể từ tháng 1/2017, doanh nghiệp được miễn hoàn toàn lệ phí đăng ký doanh nghiệp khi thực hiện đăng ký qua mạng điện tử. Đây là một “điểm sáng” chính sách nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia thị trường.

Đặc biệt, năm 2017, tinh thần cải cách, hỗ trợ từ Chính phủ cũng sẽ tiếp tục được lan toả từ Trung ương tới địa phương, góp phần lành mạnh hoá, minh bạch hoá môi trường kinh doanh, củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp.

Để hiểu rõ hơn, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Năm 2016, số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường đạt mức kỷ lục với 110.100 doanh nghiệp, đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. Theo bà, động lực nào đã thúc đẩy số lượng doanh nghiệp tăng cao đến thế?

Bà Trần Thị Hồng Minh: Số lượng doanh nghiệp đăng ký mới có xu hướng tăng cao đặc biệt kể từ khi Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực thi hành. Ngay trong năm 2015 đã tăng cao ấn tượng với số doanh nghiệp thành lập tăng 26,6% và số vốn đăng ký mới tăng 39,1% so với cùng kỳ.

Cùng với đó, việc thực thi Luật Doanh nghiệp 2014 với yêu cầu rút ngắn thời gian đăng ký doanh nghiệp còn 3 ngày đã được thực hiện tốt. Tỷ lệ hồ sơ được chấp thuận ngay lần đầu tiên đạt gần 86%, tỷ lệ hồ sơ trả kết quả đúng hẹn đạt gần 90%.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã tích cực thực hiện các giải pháp để nâng cao tỷ lệ sử dụng phương thức đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử theo yêu cầu của Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ.

Trong năm 2016, Bộ KH&ĐT đã thực hiện công khai hóa toàn bộ quy trình đăng ký doanh nghiệp cũng như tình trạng hồ sơ doanh nghiệp trên Hệ thống Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để cộng đồng được biết, cập nhật việc xử lý hồ sơ của cơ quan đăng ký kinh doanh.

Với sự chủ động, tích cực và quyết liệt trong triển khai, Bộ KH&ĐT đã thực hiện tốt các yêu cầu của Chính phủ trong việc hiện đại hóa, minh bạch hóa công tác đăng ký kinh doanh, trở thành một lĩnh vực có chỉ số cải cách cao nhất trong các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp theo đánh giá năm 2015 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Một điểm đặc biệt đáng chú ý là Chính phủ đã đưa ra thông điệp về “Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển và hành động phục vụ doanh nghiệp”. Cùng với đó là hàng loạt các chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, nhất quán từ Trung ương nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp.

Sự ra đời của các Nghị quyết 19/NQ-CP, Nghị quyết 35/NQ-CP cho thấy quyết tâm và tầm nhìn của Chính phủ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng dịch vụ công, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tinh thần cải cách và những hành động cụ thể của Chính phủ thực sự đã có tác động lan tỏa, được cộng đồng đón nhận, hưởng ứng tích cực.

Dây chuyền sản xuất sản phẩm phụ kiện điện tử, cảm biến công nghệ cao tại nhà máy của công ty Sankoh Viet Nam (100% vốn Nhật Bản). Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Phóng viên: Hiện nay, tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa có số vốn thấp. Vậy, theo bà, cần có những giải pháp nào để khối doanh nghiệp này tăng trưởng và có tính cạnh tranh cao?

Bà Trần Thị Hồng Minh: Với số doanh nghiệp đăng ký đạt mức trên 110.100 doanh nghiệp, cùng với số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng cao, ước tính có gần 140.000 doanh nghiệp bước vào thị trường trong năm 2016. TP Hồ Chí Minh và Hà Nội tiếp tục là những thành phố năng động, tập trung cơ hội đầu tư kinh doanh lớn nhất của cả các nước.

Lĩnh vực kinh doanh có tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới tăng cao so với cùng kỳ 2015 là kinh doanh bất động sản, y tế, giáo dục đào tạo… Ngược lại, một số ngành nghề kinh doanh có số lượng đăng ký mới giảm so với cùng kỳ là nghệ thuật, vui chơi và giải trí, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

Nhìn vào sự phân bổ doanh nghiệp thành lập theo lĩnh vực kinh doanh, sẽ thấy một số lĩnh vực luôn có số lượng đăng ký mới cao vượt xa các lĩnh vực khác như bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo… Đây là các lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp ngừng kinh doanh, giải thể cao so với các lĩnh vực khác.
Có thể nói, đây luôn là các lĩnh vực sẽ tiếp tục có sự cạnh tranh do các doanh nghiệp vẫn tìm thấy cơ hội và luôn tìm phương án kinh doanh hiệu quả hơn để tồn tại trên thị trường. Ví dụ, đối với ngành bán lẻ, trong năm 2016, các báo cáo kinh tế đều cho thấy thị trường hàng tiêu dùng tại Việt Nam tăng trưởng mạnh.

Dự báo trong năm 2017, tăng trưởng tiêu dùng của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao, nên đây sẽ là một lĩnh vực kinh doanh tiềm năng, với áp lực cạnh tranh ngày càng lớn đòi hỏi doanh nghiệp phải nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng dịch vụ.

Phóng viên: Thưa bà, có một số ý kiến cho rằng, khi thủ tục đăng ký kinh doanh ngày càng đơn giản thì nhiều doanh nghiệp đã “lách luật” để tham gia thị trường, hoạt động với nhiều mục đích khác nhau. Là cơ quan quản lý về đăng ký kinh doanh, Cục có giải pháp nào để hạn chế tình trạng này không?

Bà Trần Thị Hồng Minh: Nguyên tắc làm luật của chúng ta là phục vụ lợi ích của số đông, khi chúng ta tạo ra sự thông thoáng cho doanh nghiệp gia nhập vào thị trường hoạt động cũng như rút lui khỏi thị trường. Trên thực tế, ở bất cứ một nước nào, cũng không thể tránh khỏi tình trạng, doanh nghiệp, họ lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật để họ thực hiện những việc không hợp pháp. Về phía cơ quan quản lý kinh doanh, chúng tôi cũng nhận thấy rất rõ.

Chính vì vậy, sự thông thoáng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp là ưu tiên đầu tiên để cho số đông doanh nghiệp được hưởng lợi từ những quy định này.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thức được đối với những doanh nghiệp, những cá nhân trục lợi hoặc lợi dụng sự thông thoáng này để thực hiện những việc làm bất hợp pháp. Về việc này, Cục cũng đã có những giải pháp hết sức căn cơ.

Thứ nhất về phía Cục cũng đã trình cấp trên để phối hợp với các bộ, ngành khác, ví dụ như: Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính để ban hành quy chế phối hợp, quản lý doanh nghiệp sau thành lập ở địa phương. Với những quy định, quy chế này thì các cơ quan ở địa phương cần phối hợp với nhau để phát hiện ra những cá nhân, những tổ chức làm ăn phi pháp để chúng ta có giải pháp kịp thời.

Hơn nữa là chúng ta có được cơ sở dữ liệu để chia sẻ thông tin và có cảnh báo đối với các doanh nghiệp hoạt động không rõ mục đích này.

Phóng viên: Trong năm 2017, môi trường kinh doanh của Việt Nam được đánh giá khá lạc quan. Theo bà, để giữ vững tốc độ phát triển, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần có những hành động như thế nào?

Bà Trần Thị Hồng Minh: Năm 2016 là năm của doanh nghiệp và khởi nghiệp với nhiều thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ trong hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp.

Bước sang năm 2017, tinh thần cải cách, hỗ trợ từ Chính phủ sẽ tiếp tục được lan toả từ Trung ương tới địa phương, góp phần lành mạnh hoá, minh bạch hoá môi trường kinh doanh, củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp. Theo đó, chất lượng dịch vụ hành chính công cho doanh nghiệp cũng được nâng cao.

Trong năm 2017, các quy định về cơ chế liên thông trong đăng ký doanh nghiệp và đăng ký đầu tư cũng sẽ được thông qua, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện thủ tục một cách nhanh chóng, đơn giản tại một đầu mối.

Đặc biệt, từ 1/1/2017, doanh nghiệp được miễn phí hoàn toàn lệ phí đăng ký doanh nghiệp khi thực hiện đăng ký qua mạng điện tử. Đây là một điểm sáng chính sách nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp chủ động tìm hiểu, thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến, góp phần làm giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Với những nỗ lực trên, môi trường đầu tư kinh doanh trong năm 2017 sẽ tiếp tục được cải thiện, khơi thông rộng hơn các dòng vốn đầu tư xã hội, tối ưu hoá nguồn vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Tôi tin rằng, “niềm tin kinh doanh” của cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2017 tiếp tục được củng cố và tăng cường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giúp đưa kinh tế Việt Nam vượt qua những thách thức trước mắt một cách bền vững hơn.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn bà!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục