Bánh kẹo ngoại xâm nhập thị trường: Hướng đi nào cho doanh nghiệp Việt?

12:36' - 17/01/2017
BNEWS Trong bối cảnh các thương hiệu bánh kẹo ngoại ồ ạt xâm nhập vào thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước cần phải làm gì để có thể duy trì vị thế vững chắc trên sân chơi của chính mình?
Thị trường bánh kẹo Việt Nam trong bối cảnh bánh kẹo ngoại xâm nhập. Ảnh: Gia Bách

Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 đã cận kề, đây chính là cao điểm các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo bung hàng Tết. Khảo sát thị trường bánh kẹo tại Hà Nội thời điểm cận Tết Nguyên đán, không khó để nhận ra sự xuất hiện của hàng trăm mẫu mã sản phẩm từ nước ngoài. 

Doanh nghiệp Việt sẽ cần phải thay đổi và có những chiến lược phù hợp để cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu ngoại nhập trong bối cảnh mới.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Người Việt vẫn có tâm lý chuộng hàng ngoại. Khoảng 25-30% thị phần bánh kẹo phân khúc biếu tặng nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. Hơn nữa, khó khăn càng chồng chất khi nhiều hệ thống siêu thị hàng đầu tại Việt Nam đổi chủ, dọn đường cho bánh kẹo ngoại, điển hình là hàng có xuất xứ từ Thái Lan xâm nhập thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, cùng với việc gia nhập thị trường chung ASEAN, thuế nhập khẩu của ngành hàng bánh kẹo bằng 0, từ đó mùa Tết năm nay thị trường đón nhận hàng loạt các thương hiệu, sản phẩm bánh kẹo đến từ các quốc gia khác trong khu vực như Indonesia, Malaysia…

Trước đây, do phần lớn bánh kẹo của Việt Nam đều phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan và các nước phát triển hơn. Điều này đã hình thành nên tâm lý sính ngoại, chuộng hàng ngoại nhập. Vì thế, bánh kẹo nhập khẩu có cơ hội xâm nhập thị trường và không ngừng gia tăng thị phần tại Việt Nam.

Hơn nữa, những năm gần đây, với sự mở cửa của nền kinh tế và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, một số công ty bánh kẹo đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng tham gia vào thị trường Việt Nam như Orion, Lotte (Hàn Quốc), Kraft (Hoa Kỳ), Liwayway (Philipine), URC (Singapore)…

Các doanh nghiệp này đều có lợi thế về công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản lý và triển khai hệ thống phân phối chuyên nghiệp, xúc tiến quảng bá mạnh trên tất cả các phương tiện truyền thông.

Chính vì thế, các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài đã chiếm trọn phân khúc hàng biếu tặng tại thị trường Việt Nam và gây sức ép cạnh tranh rất mạnh đối với các nhà sản xuất trong nước.

Hướng đi nào cho doanh nghiệp Việt?

Cũng cần phải nhìn nhận một thực tế là bánh kẹo nhập khẩu có mẫu mã đẹp, sang trọng, cùng chất lượng tốt nên không khó để chiếm được tình cảm của người tiêu dùng và khiến doanh nghiệp Việt khá chật vật để dành thị phần.

Tuy nhiên, xét ở góc độ khác, sự xâm nhập của hàng ngoại vào thị trường Việt Nam chính là chất xúc tác buộc các doanh nghiệp trong nước đổi mới, nâng cao mẫu mã và chất lượng sản phẩm.

Ông Trần Ngọc Chung, Trưởng phòng Marketing - Công ty cổ phần Thực phẩm Hữu Nghị chia sẻ: “Để cạnh tranh một cách sòng phẳng với bánh kẹo ngoại, các nhà sản xuất trong nước trước hết phải phát huy được những lợi thế của mình như am hiểu khẩu vị, văn hóa, tập quán tiêu dùng của người Việt, đầu tư nghiên cứu ứng dụng quy trình công nghệ hiện đại để cho ra đời những sản phẩm phù hợp với văn hóa của người Việt.

Doanh nghiệp Việt cần chú ý hơn tới việc đổi mới bao bì. Ảnh: Gia Bách/TTXVN

Đặc biệt, các doanh nghiệp cần quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đổi mới bao bì và đầu tư xây dựng hệ thống phân phối rộng khắp, đảm bảo tính tiện lợi, dễ tìm mua cho người tiêu dùng, cũng như chú trọng đến công tác truyền thông quảng bá”.

Cũng có ý kiến cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, khơi dậy tinh thần yêu nước của người dân thông qua những hành động rất thiết thực như “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”.

Việc tiêu dùng bánh kẹo Việt phải trở thành quy định trong nghi thức ngoại giao, tiếp khách, hội họp, quà tặng của các sở, ban, ngành, các cấp quản lý từ Trung ương đến địa phương.

Một điểm cần lưu ý nữa đó là các nhà sản xuất bánh kẹo trong nước muốn cạnh tranh được với bánh kẹo ngoại thì cũng cần phải đoàn kết, liên minh với nhau hoặc mở rộng liên doanh, liên kết với nước ngoài.

Hiện nay, hầu hết các ngành nghề tại Việt Nam đều có hiệp hội, nhưng riêng bánh kẹo thì chưa có hiệp hội để tham vấn chính sách phát triển cho ngành, trong khi vấn đề phát triển thị trường bánh kẹo trong nước trước sức ép cạnh tranh của các tập đoàn nước ngoài là một vấn đề lớn, mà không một nhà sản xuất nào trong nước có thể “đơn thương độc mã” chiến đấu và chiến thắng được.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành hàng bánh kẹo trong nước rất cần sự định hướng, quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi, tạo hành lang pháp lý của các cấp quản lý nhà nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục