Năm 2018, ngành du lịch phấn đấu đón 15-17 triệu lượt khách quốc tế

17:46' - 12/01/2018
BNEWS Trong năm 2018, để đạt được kết quả cao hơn nữa, ngành du lịch đã đưa ra một loạt nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó phấn đấu đón từ 15-17 triệu lượt khách quốc tế.

Năm 2017 là một năm khá thành công của ngành du lịch với tổng lượng khách quốc tế đạt 12,9 triệu lượt, doanh thu từ khách du lịch đạt hơn 510.900 tỷ đồng.

* Kiểm soát, quản lý tốt các điểm đến du lịch

Năm 2018, ngành du lịch phấn đấu đón 15-17 triệu lượt khách quốc tế. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2018, ngành du lịch sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ chính sau:

Tập trung triển khai, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Phấn đấu năm 2018 đạt mục tiêu đón từ 15-17 triệu lượt khách quốc tế, khoảng 78 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 620.000 tỷ đồng.

Cùng với đó, tập trung xây dựng các đề án: Điều chỉnh Chiến lược, Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Cơ cấu lại ngành du lịch. Triển khai các nhiệm vụ thuộc Chương trình hành động quốc gia và Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia năm 2018…

Đồng thời, tăng cường hiệu lực quản lý tại các địa phương; kiểm soát, quản lý tốt các điểm đến du lịch đảm bảo an ninh an toàn cho khách du lịch; đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch. Tập trung triển khai kế hoạch tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh lữ hành và hướng dẫn du lịch và kiểm tra các doanh nghiệp lữ hành tại các địa phương.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam ở trong nước và quốc tế qua các sự kiện hội chợ quốc tế. Chỉ đạo, phối hợp tổ chức các hoạt động của Năm Du lịch quốc gia 2018 tại Quảng Ninh; triển khai công tác chuẩn bị tổ chức Diễn đàn Du lịch ASEAN và Hội chợ Travex 2019 tại Quảng Ninh.

Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu, ngành Du lịch cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung triển khai phổ biến và áp dụng Luật Du lịch 2017 tại các địa phương trên toàn quốc. Ngoài ra, cần đổi mới hình thức xúc tiến, quảng bá du lịch, đảm bảo nội dung và cách truyền tải sinh động, ấn tượng và mang đặc trưng riêng của đất nước Việt Nam.

Đặc biệt, cần phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế tăng cường tổ chức các chương trình quảng bá văn hóa, nghệ thuật Việt Nam tại một số thị trường phù hợp. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng chỉ đạo tiếp tục chấn chỉnh chất lượng hệ thống cơ sở lưu trú, tạo hiệu ứng tốt đối với khách du lịch đến Việt Nam, đồng thời có những giải pháp quyết liệt, chấn chỉnh tình trạng hướng dẫn viên du lịch “chui”, đặc biệt là khi Luật Du lịch 2017 có hiệu lực.

Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định, ngành Du lịch sẽ triển khai những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018 theo chỉ đạo của Bộ trưởng, trong đó đặc biệt chú trọng triển khai ngay công tác xúc tiến quảng bá ngay từ đầu năm 2018 để đạt hiệu quả thu hút khách quốc tế tốt nhất.

* Năm 2017, khách quốc tế tăng kỷ lục

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2017, với sự nỗ lực của toàn ngành, du lịch Việt Nam đã có những bước tăng trưởng vượt bậc, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của đất nước.

Về công tác xây dựng thể chế, chính sách phát triển Du lịch được chú trọng. Tổng cục Du lịch đã hoàn thiện, báo cáo Bộ, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 6-10-2017 ban hành Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 08.

Tham mưu Bộ trưởng ban hành Quyết định số 4215/QĐ-BVHTTDL ngày 9-11-2017 ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 103/NQ-CP; đặc biệt là trình Quốc hội thông qua Luật Du lịch (sửa đổi)… Công tác quản lý nhà nước về du lịch cũng được đẩy mạnh, tăng cường hiệu lực, hiệu quả, tập trung đối với lĩnh vực quản lý hoạt động lữ hành và hướng dẫn viên.

Trong năm 2017, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch tiếp tục phát triển mạnh theo hướng chuyên nghiệp hiện đại. Năm 2017, đã có 106 cơ sở lưu trú trong phân khúc từ 3-5 sao được công nhận. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch cả nước tiếp tục tăng trưởng với hơn 500.000 buồng, trong đó có 116 khách sạn 5 sao với trên 33 nghìn buồng...

Về quảng bá du lịch, trong năm 2017, ngành du lịch đã tập trung đẩy mạnh xúc tiến du lịch tại các thị trường khách truyền thống và các thị trường khách còn dư địa, có khả năng tăng trưởng mạnh. Công tác xúc tiến quảng bá trong năm qua đã có bước tiến mới, đổi mới cả về nội dung và hình thức.

Điểm mới của công tác xúc tiến, quảng bá năm nay là đã huy động được nguồn lực của cộng đồng doanh nghiệp, các đối tác, tiêu biểu là cơ chế đối tác công-tư (PPP). Kinh phí xúc tiến, quảng bá không tăng so với những năm trước, nhưng quy mô sự kiện ở các thị trường lớn hơn, hiệu quả cao hơn.

Nhiều địa phương đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Các địa phương trong cả nước, nhất là các tỉnh trọng điểm về du lịch đã có những chính sách, giải pháp cụ thể, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư vào du lịch, phát triển sản phẩm du lịch đa dạng hướng tới nhiều thị trường mới, kiểm soát và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Kết quả là, năm 2017, Việt Nam đã đón 12,9 triệu lượt khách quốc tế (tăng hơn 2,9 triệu lượt khách so với năm 2016), phục vụ 73,2 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 510.900 tỷ đồng, tương đương 23 tỷ đô la Mỹ, tăng 25% so với năm 2016.

Đây có thể coi là kỳ tích tăng trưởng kỷ lục về tổng số khách quốc tế và mức tăng trưởng khách quốc tế trong một năm. Ngoài ra, trong năm 2017, ngành Du lịch đã triển khai thành công các hoạt động trong khuôn khổ Năm APEC 2017; Năm Du lịch Quốc gia 2017-Lào Cai-Tây Bắc với 20 hoạt động tổ chức tại các địa phương...

Trong năm 2017, du lịch Việt Nam nhận được nhiều danh hiệu danh giá của giải thưởng du lịch toàn cầu, đứng thứ 6 trong 10 nước có tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới, đứng đầu châu Á về tốc độ phát triển du lịch./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục