Nắm bắt cơ hội từ dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu

16:36' - 17/10/2024
BNEWS Việt Nam có một số lợi thế để có thể tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào xu thế điều chỉnh và chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững.

Vậy doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để có thể vượt qua các thách thức, nắm bắt cơ hội từ xu hướng dịch chuyển này. BNEWS trân trọng giới thiệu bài viết của ông Lê Anh Dũng, Tổng giám đốc, Viện Nghiên cứu Đầu tư Quốc tế (ISC), Ban Thường vụ, Liên chi Hội Tài chính KCN Việt Nam (VIPFA) về nội dung này:

Các điểm nóng xung đột toàn cầu như xung đột Nga – Ukraine, căng thẳng Mỹ - Trung Quốc,  căng thẳng ở Trung Đông… đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng từ đó tạo ra xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Cùng với những rủi ro phải đối mặt, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu cũng mang đến những đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt khi các tập đoàn quốc tế đang tìm kiếm các điểm đến thay thế Trung Quốc.

 

Trong xu hướng điều chỉnh và chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam có một số lợi thế để có thể tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi có môi trường vĩ mô ổn định, nền kinh tế năng động.

Tình hình chính trị ổn định, nhất quán trong chính sách phát triển kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài. Môi trường pháp lý đầy đủ, chính sách đầu tư nước ngoài thông thoáng, mở cửa thị trường, cải cách thủ tục hành chính và ưu đãi đầu tư.

Môi trường kinh doanh không ngừng được cải thiện, lực lượng lao động trẻ, dồi dào, dễ đào tạo và chi phí lao động thấp. Cơ sở hạ tầng và công nghệ ngày càng đồng bộ là các nhóm lợi thế, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam.

Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách về tài chính, thuế, lao động đến hỗ trợ kỹ thuật và chuyển đổi số nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, và những biến động trong chuỗi cung ứng quốc tế.

Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước còn đối mặt với thách thức như năng lực cạnh tranh thấp, công nghiệp phụ trợ non kém, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu, công nghệ và phương thức sản xuất lạc hậu, chưa tham sâu vào chuỗi cung ứng, thiếu đội ngũ lao động có trình độ, kỹ năng… 

Để vượt qua các thách thức, nắm bắt cơ hội từ dịch chuyển chuỗi cung ứng trên toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam cần áp dụng các chiến lược toàn diện bao gồm đa dạng hóa nguồn cung và thị trường, đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu và liên kết đối tác. Đồng thời, doanh nghiệp cần đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển bền vững và nâng cao năng lực tài chính, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các doanh nghiệp cần tìm kiếm các nhà cung cấp mới từ các thị trường khác như Ấn Độ, ASEAN và Mỹ Latin để giảm thiểu rủi ro từ việc phụ thuộc vào một nguồn cung duy nhất, đặc biệt là từ Trung Quốc. Điều này giúp doanh nghiệp tăng cường sự ổn định và linh hoạt trong chuỗi cung ứng.

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP, và RCEP mang lại nhiều cơ hội tiếp cận các thị trường lớn như châu Âu, Nhật Bản, Úc và các quốc gia trong khu vực. Doanh nghiệp Việt Nam nên đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới nổi và tận dụng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định này.

Ứng dụng công nghệ tự động hóa và các hệ thống quản lý thông minh như ERP, IoT (Internet of Things) và phân tích dữ liệu lớn (Big Data) giúp doanh nghiệp tăng cường hiệu quả sản xuất, giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Chuyển đổi số không chỉ áp dụng trong sản xuất mà còn trong quản lý chuỗi cung ứng, dịch vụ khách hàng và bán hàng trực tuyến. Các nền tảng thương mại điện tử, hệ thống CRM và công nghệ quản lý chuỗi cung ứng tiên tiến sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả vận hành và quản lý khách hàng.

Nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển thương hiệu cũng đóng vai trò quan trọng với mỗi doanh nghiệp để có thể nắm bắt xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng trên toàn cầu.

Việc cải thiện chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế sẽ giúp tăng tính cạnh tranh, đặc biệt là khi tham gia vào các chuỗi cung ứng phức tạp và đòi hỏi khắt khe về chất lượng như điện tử, công nghệ cao và dệt may.

Các doanh nghiệp cần đầu tư vào xây dựng thương hiệu quốc tế để tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm, từ đó không chỉ tham gia chuỗi cung ứng với tư cách là nhà gia công mà còn trở thành những thương hiệu có uy tín trên thị trường quốc tế.

Nhiều tập đoàn lớn đã chuyển một phần sản xuất sang Việt Nam. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn này. Thay vì chỉ dừng lại ở vai trò gia công hoặc cung ứng nguyên liệu, doanh nghiệp nên định hướng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp quan trọng như điện tử, ô tô và dệt may. Điều này bao gồm việc phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng cao và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng quốc tế.

Sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước sẽ giúp tăng cường năng lực cạnh tranh của toàn ngành, đồng thời giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) tiếp cận các công nghệ và tiêu chuẩn sản xuất quốc tế.

Để tham gia vào các chuỗi cung ứng có giá trị cao, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần có nguồn nhân lực với kỹ năng chuyên môn cao, đặc biệt trong các ngành như công nghệ thông tin, kỹ thuật, quản lý sản xuất, và quản lý chuỗi cung ứng. Đầu tư vào giáo dục, đào tạo và nâng cao kỹ năng cho người lao động là yếu tố then chốt giúp tăng năng suất và khả năng cạnh tranh. Môi trường làm việc hiện đại, khuyến khích sáng tạo sẽ giúp doanh nghiệp thu hút nhân tài, bao gồm cả việc thu hút nhân sự nước ngoài có chuyên môn cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao và quản lý.

Xu hướng toàn cầu đang hướng tới phát triển bền vững và thân thiện với môi trường. Đầu tư vào công nghệ sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu phát thải carbon không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế mà còn tạo lợi thế cạnh tranh khi nhiều đối tác quốc tế ưu tiên các sản phẩm và nhà cung cấp có tiêu chí bền vững.

Việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và giảm thiểu rác thải, giúp doanh nghiệp không chỉ bảo vệ môi trường mà còn giảm chi phí và tối ưu hóa quá trình sản xuất.

Việc xây dựng các chiến lược dự phòng và quản trị rủi ro, bao gồm cả việc đa dạng hóa nguồn cung và phát triển các kế hoạch dự phòng cho chuỗi cung ứng, quản trị rủi ro liên quan đến biến động giá cả nguyên liệu, thiếu hụt hàng hóa hoặc gián đoạn vận tải là rất quan trọng trong môi trường nhiều biến động.

Doanh nghiệp cũng cần phối hợp với Chính phủ trong các dự án phát triển hạ tầng logistics, giao thông và công nghệ để tối ưu hóa khả năng cạnh tranh. Hạ tầng mạnh mẽ là yếu tố then chốt để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế và vận hành hiệu quả trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

>> Việt Nam trong bản đồ chuỗi cung ứng: Để đón sóng đầu tư bền vững

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục