Năm bộ phim thú vị của Hollywood về tài chính

12:36' - 10/02/2016
BNEWS Những bộ phim tài chính đã khắc họa rõ nét về tâm lý, tính cách của những doanh nhân tài năng trên thương trường.

1. It’s a Wonderful Life (1946)

“It’s a Wonderful Life” là bộ phim của đạo diễn người Mỹ Frank Capra sản xuất năm 1946, dựa theo truyện ngắn The Greatest Gift của Philip Van Doren Stern. Bộ phim xoay quanh cuộc sống của nhân vật nam chính George Bailey, do James Stewart thủ vai.

Gia đình của nhân vật nam chính George Bailey. Ảnh: AP.

Khi các nhà đầu tư địa phương hoảng sợ và cố gắng rút tiền từ ngân hàng của nhà Bailey, George đã nỗ lực để trấn an mọi người và thuyết phục họ cách tiết kiệm để được hưởng lợi từ cộng đồng. Một số chuyên gia nhận định bộ phim đã cho ta thấy kinh doanh có thể là động lực tốt để phát triển thế giới.

Mặc dù chi phí sản xuất lớn và được đánh giá rất cao trong các bảng xếp hạng nhưng bộ phim lại thất bại về mặt doanh thu và chỉ thu về được một nửa so với chi phí bỏ ra.

“It's a Wonderful Life” được 5 đề cử Oscar, tuy không đoạt được giải nào nhưng bộ phim được Viện phim Mỹ xếp vào hàng 100 phim Mỹ hay nhất trong 100 năm qua, và đứng ở vị trí thứ nhất trong số những bộ phim truyền cảm nhất mọi thời đại.

2. Wall Street (1987)

Trong các bộ phim, người làm tài chính rất khó để trở thành các vị anh hùng, thay vào đó, họ có thể trở thành những tên lừa đảo bậc thầy như nhân vật Gordon Gekko (do Michael Douglas thủ vai) trong phim “ Wall Street”, được sản xuất năm 1987.

Wall Street tái hiện chân thực về thương trường của những người làm tài chính. Ảnh: pinterest

Bộ phim cho thấy một số người sẵn sàng đánh đổi nhân cách để trở nên giàu có, với triết lý "Tiền là tất cả" và "Tham lam là tốt". Bộ phim được coi là bài học về sự quyến rũ của quyền lực và của cải.

Doanh thu phòng vé của bộ phim này lên tới gần 45 triệu USD, đồng thời bộ phim cũng đem lại cho diễn viên Michael Douglas giải Oscar danh giá ở hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc. 

3. Pretty Woman (1990)

Các nhà làm phim thường cố gắng biến những doanh nhân trở nên “đáng yêu” hơn bằng cách tập trung vào tính cách của họ. Điển hình là doanh nhân Richard Gere trong phim “Pretty Woman”.

Người đàn bà đẹp Julia Roberts trong phim. Ảnh: vanityfair

Bộ phim được coi là một trong những phim thành công nhất ở thể loại hài lãng mạn, xét cả về mặt nghệ thuật và thương mại, với tổng doanh thu đạt mức 463,4 triệu USD. Thậm chí, một số chuyên gia kinh tế còn cho biết có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm đáng giá cho việc kinh doanh qua bộ phim.

“Pretty Woman” đã đem về cho Julia Roberts đề cử giải Oscar Nữ diễn viên chính xuất sắc cũng như biệt danh nổi tiếng “Người đàn bà đẹp”.

4. The Wolf of Wall Street (2013)

Phim The Wolf of Wall Street, của đạo diễn Martin Scorsese sản xuất năm 2013, đã thu hút nhiều ngân hàng trên khắp châu Âu đổ xô đến rạp chiếu phim để khám phá những bí mật về sự thái quá trong ngành tài chính.

Cuộc đời của tay môi giới chứng khoán lừng danh Jordan BelfortThe Wolf of Wall Street được tái hiện chân thực trên màn ảnh. Ảnh: newyorker

The Wolf of Wall Street được thực hiện dựa trên cuộc đời của tay môi giới chứng khoán lừng danh Jordan Belfort. The Wolf of Wall Street được 5 đề cử Oscar 2014, trong đó có hạng mục "Phim hay nhất".

Diễn viên chính Leonardo DiCaprio cũng được đề cử cho hạng mục nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Bất chấp mọi lời chỉ trích và việc phải cắt xén nội dung mới được công chiếu ở một số nước, The Wolf of Wall Street vẫn tạo ra những cơn sốt phòng vé để thu về gần 200 triệu USD.

5. The Big Short (2015)

Bộ phim The Big Short được nhà làm phim Adam McKay xây dựng dựa trên cuốn sách “The Big Short: Inside the Doomsday Machine” của nhà báo chuyên viết về tài chính, Michael Lewis.

The Big Short. Ảnh: lifestyletrading101

Các đạo diễn và biên kịch Hollywood đã thực sự phải “vật lộn” để cho ra mắt bộ phim tái diễn lại cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, với sự đổ vỡ của các ngân hàng, tỷ lệ thất nghiệp cao và tình trạng đi xuống của thị trường nhà đất. Những số liệu và thuật ngữ tài chính khô khan đã gây khó cho giới làm phim trong việc tạo sức hút đối với khán giả.

Tuy nhiên, với “The Big Short”, các nhà làm phim đã tìm ra đáp án cho bài toán khó này. Sự hài hước của kịch bản đã tạo sức hấp dẫn cho bộ phim vốn được coi là khô khan khi cố gắng miêu tả sự phức tạp của thị trường tài chính.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục