Nam Định kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP

16:26' - 04/12/2020
BNEWS Ngày 4/12, UBND tỉnh Nam Định tổ chức hội nghị công bố Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP tỉnh Nam Định năm 2020.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định Nguyễn Sinh Tiến cho biết, năm 2020, tỉnh có 110 sản phẩm OCOP; trong đó, 11 sản phẩm 4 sao và 99 sản phẩm 3 sao. Tất cả 10/10 huyện, thành phố của tỉnh đều có sản phẩm OCOP.

Trong 2 năm (2019 và 2020), tỉnh Nam Định đã có tổng số 146 sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao (28 sản phẩm 4 sao, còn lại là 3 sao) của 80 đơn vị; trong đó, có 35 doanh nghiệp, 18 hợp tác xã, 27 hộ sản xuất kinh doanh, chủ yếu thuộc lĩnh vực thực phẩm (135 sản phẩm), đồ uống (7 sản phẩm), thủ công mỹ nghệ (2 sản phẩm) và du lịch nông thôn (2 sản phẩm).

Tỉnh hiện có 110 mô hình sản xuất áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, gần 30 doanh nghiệp chế biến nông sản, thủy sản đảm bảo các quy định an toàn. Do đó, ngoài các sản phẩm OCOP, tỉnh Nam Định còn có nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lớn của thị trường trong và ngoài tỉnh.

Thời gian qua, tỉnh Nam Định đã triển khai nhiều giải pháp xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, kết nối giữa người sản xuất với các doanh nghiệp, đơn vị tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh.

Nhờ đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã được các doanh nghiệp, cơ sở phân phối, siêu thị, nhà hàng, trung tâm thương mại ký hợp đồng bao tiêu ổn định.

Một số sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Nam Định đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Điển hình là sản phẩm ngao sạch Lenger được thị trường khó tính ở các nước châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản chấp nhận.

Sản phẩm cá bống bớp Nghĩa Hưng được các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng và thị trường Trung Quốc đón nhận...

Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh, chương trình OCOP thực sự tạo ra bước chuyển lớn trong sản xuất nông nghiệp. Tại nhiều địa phương đã xây dựng những mô hình nông nghiệp quy mô lớn, liên kết, an toàn.

Đặc biệt, chương trình này có vai trò quan trọng, thúc đẩy phát triển các làng nghề, sản phẩm thế mạnh của các vùng, miền, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho nhân dân.

Nam Định nói riêng, các địa phương trong cả nước nói chung còn nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm OCOP, đưa đến cho người tiêu dùng những mặt hàng chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Vì vậy, thời gian tới, Nam Định cần thực hiện hiệu quả hơn nữa chương trình nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với xây dựng mỗi xã một sản phẩm, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực địa phương.

Đối với các sản phẩm đã được công nhận đạt OCOP cần tiếp tục nâng cao chất lượng để phấn đấu nâng hạng, tạo lòng tin cho người tiêu dùng. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất có sản phẩm OCOP chú trọng công tác đăng ký sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu sản phẩm để từng bước khẳng định chỗ đứng và vị thế trên thị trường...

Dịp này, Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định đã ký 12 biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm nông sản với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục