Nan giải bài toán thu hẹp bất bình đẳng kỹ thuật số toàn cầu

05:30' - 05/11/2021
BNEWS Sự chênh lệch về trình độ kỹ thuật số không chỉ là một vấn đề kinh tế, mà còn là yếu tố quan trọng trong an ninh và ổn định quốc tế.

Điều kiện cần thiết để vượt qua sự chênh lệch kỹ thuật số là sự hỗ trợ trong phát triển và hợp tác quốc tế nhằm xây dựng quy tắc, hành vi có trách nhiệm của các quốc gia trong môi trường thông tin toàn cầu, có tính đến quan điểm của các chính phủ, giới doanh nghiệp, giới khoa học và xã hội dân sự.

Đại dịch COVID-19 làm gia tăng sự chênh lệch về kỹ thuật số

Đại dịch COVID-19 đã trở thành chất xúc tác cho sự chuyển đổi kỹ thuật số của nền chính trị thế giới, nhưng cũng góp phần làm trầm trọng thêm một số vấn đề, trong đó có một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất là sự bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo, từ đó tạo ra sự chênh lệch về kỹ thuật số. 

Việc bị cô lập bắt buộc đã cho thấy tầm quan trọng của việc tiếp cận với công nghệ thông tin truyền thông, và nếu không có chúng thì việc học hay làm việc từ xa và đảm bảo giữ giãn cách xã hội gần như là điều không thể.

Vấn đề chênh lệch kỹ thuật số trở thành một trong những vấn đề then chốt trong chương trình nghị sự quốc tế, vấn đề đang được các tổ chức quốc tế hàng đầu quan tâm. Ngoài ra, vấn đề này còn được đưa vào chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại của các quốc gia có nhiều ảnh hưởng nhất trên thế giới, bao gồm Liên bang Nga.

Theo các chuyên gia của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), ngày nay, vấn đề tiếp cận không đồng đều với Công nghệ thông tin là trở ngại chính để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Báo cáo về Kinh tế kỹ thuật số năm 2021 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) nhấn mạnh rằng tầm quan trọng của dữ liệu trong nền kinh tế kỹ thuật số ngày càng lớn thì mức độ chênh lệch kỹ thuật số sẽ càng nhiều vì lĩnh vực này đóng vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu hiện đại. 

Báo cáo này thậm chí còn đề xuất một thuật ngữ mới - “bất bình đẳng trong lĩnh vực dữ liệu”, mà theo các tác giả định nghĩa là khoảng cách trong việc tiếp cận các nguồn dữ liệu và khả năng xử lý phần mềm giữa các nước phát triển và đang phát triển.

Nếu vào những năm 1990 và đầu những năm 2000, khoảng cách kỹ thuật số được coi là một vấn đề do các “gã khổng lồ” công nghệ thông tin của phương Tây áp đặt lên cộng đồng quốc tế nhằm mở rộng thị trường bán hàng, thì ngày nay, không còn ai nghi ngờ tầm quan trọng và mối liên hệ chặt chẽ của công nghệ thông tin với các vấn đề an ninh quốc tế.

Hơn nữa, như trong báo cáo tổng kết từ năm 2021 của Nhóm công tác mở của Liên hợp quốc (LHQ) về an ninh thông tin quốc tế, đại dịch COVID-19 đã cho thấy sự dễ bị tổn thương của các quốc gia trước những thách thức liên quan đến việc sử dụng công nghệ thông tin, bao gồm sự không đồng đều về phát triển công nghệ thông tin giữa các khu vực và quốc gia. Do đó, khoảng cách kỹ thuật số không phải một vấn đề kinh tế đơn lẻ, mà đang trở thành một yếu tố tạo ra sự ổn định quốc tế.

Giáo dục trực tuyến và làm việc từ xa, các chương trình chính phủ điện tử và các dịch vụ kỹ thuật số khác đang có thêm động lực phát triển trong quá trình giãn cách bắt buộc vì đại dịch, là một phần trong xu hướng toàn cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, vốn được vạch ra từ trước đại dịch và có khả năng được thúc đẩy sau khi nhân loại chiến thắng được đại dịch.

Tuy nhiên, việc phổ cập số hóa, bên cạnh việc cho phép tổ chức tự giãn cách hiệu quả hơn và kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2, còn tạo góp phần tạo ranhững hình thức bất bình đẳng giới và làm trầm trọng thêm các hình thức bất bình đẳng hiện có.

Bất bình đẳng kỹ thuật số trong giai đoạn phát triển hiện đại của chính trị quốc tế

Theo thống kê của Liên hợp quốc, ngày nay gần 40% dân số thế giới vẫn chưa được tiếp cận thường xuyên với Internet, trong đó phần lớn là phụ nữ sống ở các nước đang phát triển. Sự chênh lệch kỹ thuật số đã là rất lớn từ ngay trước đại dịch, nhưng sự xuất hiện của đại dịch đã làm bộc lộ rõ mối đe dọa nghiêm trọng của bất bình đẳng kỹ thuật số đối với sự phát triển kinh tế, mà còn đối với an ninh và ổn định quốc tế.

Tỷ lệ dân số có thể tiếp cận Internet cũng khác nhau đáng kể giữa các quốc gia. Ví dụ, ở các nước có mức thu nhập cao thì tỷ lệ tiếp cận Internet khoảng 87% dân số, nhưng ở các nước chậm phát triển thì tỷ lệ này rất thấp, chỉ khoảng 17%. Ở cấp độ quốc gia, khả năng tiếp cận công nghệ kỹ thuật số được xác định bởi tình hình kinh tế xã hội của con người, kể cả ở các quốc gia có mức thu nhập cao.

Ở cấp độ quốc tế và giữa các nước, vấn đề này còn có yếu tố chính trị và địa chính trị. Những xung đột địa chính trị, bao gồm sự rạn nứt giữa nước giàu, nước nghèo, đang được chuyển sang môi trường kỹ thuật số, nơi đầy rẫy những xung đột và căng thẳng gia tăng.

Tuy nhiên, sự chênh lệch kỹ thuật số không chỉ thể hiện ở vấn đề truy cập với mạng toàn cầu, mà còn là vấn đề về sự sẵn có của kiến thức và kỹ năng làm việc với công nghệ thông tin. Theo dữ liệu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, tại thời điểm xảy ra đại dịch, 60% dân số trưởng thành trên thế giới không có các kỹ năng kỹ thuật số cần thiết để làm việc và học tập từ xa. Đồng thời, ở nhiều nước còn ghi nhận sự chênh lệch kỹ thuật số ở ngay trong nước. Vì vậy, vào năm 2020, trong thời gian tự giãn cách, nhiều sinh viên đã không thể truy cập Internet liên tục để học. 

Theo dữ liệu của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), trong năm 2020, gần 826 triệu học sinh không có Internet ở nhà, trong khi giáo dục từ xa kỹ thuật số đã được áp dụng vào năm 2020 để đảm bảo việc học tập thông suốt ở đa số các quốc gia.

Những bất bình đẳng này đã trở thành thách thức nghiêm trọng đối với hệ thống giáo dục của các quốc gia đang phát triển trong thời điểm có sự gián đoạn giáo dục chưa từng có và về lâu dài có khả năng làm suy giảm sự phát triển kinh tế, cũng như tiềm năng phát triển con người ở nhiều nước. Do đó, sự bất bình đẳng kỹ thuật số trong điều kiện dịch bệnh có ý nghĩa chính trị quan trọng, làm trầm trọng thêm các ranh giới bất bình đẳng và sự chia rẽ đã tồn tại trên trường quốc tế.

Việc tiếp cận không đồng đều với công nghệ thông tin là vấn đề nổi cộm ở ngay cả trong xã hội của các quốc gia riêng lẻ, cũng như ở cấp độ hệ thống quốc tế và cản trở sự phục hồi kinh tế của các quốc gia và khu vực.

Tuy nhiên, việc đảm bảo “hoà nhập kỹ thuật số” (có nghĩa là khả năng tiếp cận phổ biến đối với công nghệ thông tin) lại mâu thuẫn với sự khác biệt về trình độ học vấn giữa các quốc gia và khu vực, khoảng trống trong khuôn khổ quy định về công nghệ thông tin ở cấp độ quốc gia và quốc tế và những thao túng thông tin từ phía các quốc gia, cũng như từ phía các “gã khổng lồ” công nghệ, với mục đích khiến các nước đang phát triển phụ thuộc kỹ thuật số vào các quốc gia tài trợ cho các chương trình xây dựng năng lực kỹ thuật số.

Vấn đề bất bình đẳng kỹ thuật số như một thách thức đối với an ninh toàn cầu

Các rủi ro chính trị và kinh tế liên quan đến sự chênh lệch kỹ thuật số ngày càng nghiêm trọng khi sự phụ thuộc của nền kinh tế và nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội khác vào công nghệ thông tin ngày càng nhiều và khối lượng dữ liệu tăng theo cấp số nhân. 

Báo cáo tổng kết của Liên hợp quốc về an ninh thông tin quốc tế cho rằng năng lực kỹ thuật số không đủ của một quốc gia không cho phép họ phát hiện, ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi thù địch sử dụng công nghệ thông tin và khiến họ dễ bị tổn thương hơn. Ngoài ra, các nước kém phát triển hơn có thể là đối tượng bị ảnh hưởng và thao túng thông tin.

Ngày nay, công nghệ đang trở thành nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh của một quốc gia, và mức độ phát triển công nghệ sẽ xác định vị thế của quốc gia đó trong hệ thống chính trị quốc tế.

Vấn đề bất bình đẳng kỹ thuật số trong bối cảnh này đang trở thành một yếu tố quan trọng trong cạnh tranh địa chính trị và các chương trình nâng cao năng lực nhằm tăng cường hoà nhập kỹ thuật số có thể được các quốc gia tài trợ sử dụng để củng cố vị thế của họ trong không gian thông tin toàn cầu, bằng cách tác động đến các chính sách thông tin của quốc gia được hỗ trợ.

Các định hướng chính của hợp tác quốc tế để khắc phục sự bất bình đẳng kỹ thuật số

Hiện tại, một số chương trình đang được thực hiện ở cấp độ quốc tế nhằm giảm khoảng cách chênh lệch kỹ thuật số. Liên hợp quốc đã thông qua Lộ trình hợp tác kỹ thuật số, trong đó đề ra nhiệm vụ đảm bảo kết nối Internet trên toàn hành tinh đến năm 2030. Ủy ban băng thông rộng do UNESCO lãnh đạo trong 10 năm qua đã nỗ lực để khắc phục sự bất bình đẳng trong tiếp cận công nghệ thông tin. 

Trong khi đó, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã đưa ra sáng kiến “GIGA”, đặt mục tiêu kết nối mọi trường học trên hành tinh với Internet. Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) hỗ trợ việc thu hẹp bất bình đẳng kỹ thuật số giữa phụ nữ và phát triển các chỉ số đo lường cụ thể yếu tố giới tính trong sự bất bình đẳng kỹ thuật số. 

Ngày nay, các công ty công nghệ thông tin lớn đóng vai trò quan trọng trong việc xác định các định hướng chính trong phát triển và sử dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, khi họ phải đối mặt với các vấn đề an ninh thông tin xuyên quốc gia, chẳng hạn như kích động bạo lực trên Internet, các vấn đề về bảo vệ dữ liệu cá nhân và nhiều vấn đề khác, thì họ buộc phải dựa vào quyết định của quốc gia có tính hợp pháp trong giải quyết các vấn đề an ninh, cũng như tư cách pháp nhân trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.

Do sự ràng buộc và phụ thuộc lẫn nhau của không gian kỹ thuật số toàn cầu, không có một quốc gia hay một tập đoàn công nghệ thông tin lớn nào có thể chi phối quá trình chuyển đổi kỹ thuật số toàn cầu.

Do đó, việc phát triển các chương trình hợp tác nhằm giảm sự chênh lệch kỹ thuật số, có tính đến lợi ích và dựa trên năng lực của các bên quan tâm, bao gồm các quốc gia, các doanh nghiệp, cộng đồng khoa học và các tổ chức xã hội dân sự có liên quan đến vấn đề an ninh thông tin, là rất quan trọng. 

Sự chênh lệch kỹ thuật số là một vấn đề phức tạp và ảnh hưởng đến mọi mức độ của sự bất bình đẳng kinh tế - xã hội trong thế giới hiện đại, cũng như bao gồm khía cạnh chính trị quốc tế, trở thành yếu tố quan trọng trong an ninh thông tin toàn cầu. Nhu cầu số hóa rộng rãi, phần lớn là do nhu cầu đảm bảo giãn cách xã hội giữa đại dịch COVID-19, đã làm trầm trọng thêm khía cạnh chính trị quốc tế của sự chênh lệch kỹ thuật số và cần một giải pháp hợp tác từ cộng đồng quốc tế.

Ở giai đoạn hiện tại, khoảng cách kỹ thuật số và sự bất bình đẳng kỹ thuật số là một phần không thể thiếu của vấn đề an ninh thông tin toàn cầu. Chủ nghĩa thực dân kỹ thuật số kiểu mới của các quốc gia phương Tây đang làm tăng sự phụ thuộc của các nước đang phát triển và đặt họ vào thế dễ bị tổn thương. Trong bối cảnh này, việc phát triển các nguyên tắc chung trong lĩnh vực phát triển năng lực và giảm khoảng cách kỹ thuật số là một nhu cầu cấp bách./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục