Nan giải chống ngập tại Tp. Hồ Chí Minh - Bài 1: Nhìn lại "chặng đường" chống ngập

18:51' - 17/06/2020
BNEWS Nhiều dự án với số tiền lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng, xử lý được nhiều điểm ngập nhưng tình trạng ngập vẫn đang diễn ra dai dẳng

Ngập lụt đang là nỗi ám ảnh thường trực mỗi khi có mưa lớn, triều cường tại Tp. Hồ Chí Minh. Để giải quyết vấn đề này, thời gian qua, thành phố đã có nhiều quy hoạch, nhiều chính sách, nhiều dự án với số tiền lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng, xử lý được nhiều điểm ngập nhưng tình trạng ngập vẫn đang diễn ra dai dẳng, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
TTXVN có loạt bài nhìn lại công tác chống ngập tại Tp. Hồ Chí Minh với các kết quả đã đạt được cũng như nêu lên những tồn tại, thách thức lớn cần giải quyết trong vấn đề này thời gian tới.
Bài 1: Nhìn lại "chặng đường" chống ngập

Hiện nay Tp. Hồ Chí Minh đang thực hiện đồng thời 2 quy hoạch chống ngập theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều dự án công trình đã và đang được triển khai, góp phần quan trọng trong việc cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, giảm ngập ở nhiều khu vực từng ngập nặng.
* Chuyển biến đáng kể
Ngày 19/6/2001, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 752/QĐ-TTg ngày 19/6/2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2020 (gọi tắt là Quy hoạch 752) đề ra nhiệm vụ xây dựng hệ thống thoát nước chung, trạm bơm cục bộ, hệ thống thu gom nước thải, nhà máy xử lý nước thải.
Đến ngày 28/10/2008, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1547/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch thuỷ lợi chống ngập úng khu vực Tp. Hồ Chí Minh (gọi tắt là Quy hoạch 1547). Định hướng là thực hiện các giải pháp kiểm soát thủy triều, chủ động hạ thấp mức nước trên các kênh trục bao quanh vùng bờ hữu sông Sài Gòn - Nhà Bè, chấm dứt tình trạng úng ngập do lũ và triều, cải thiện môi trường kênh rạch, cải tạo các vùng đất phèn.
Nội dung chính là xây dựng hệ thống đê bao, cống khép kín để khống chế mực nước và kiểm soát môi trường nước khu vực phía trong đê bao. Xây dựng các hồ điều tiết để dự trữ nước mưa tiêu ra từ trung tâm thành phố trong thời gian triều cường.
Thời gian qua Tp. Hồ Chí Minh đã nỗ lực thực hiện 2 quy hoạch nói trên trong các nhiệm vụ, chương trình phát triển kinh tế xã hội từng năm của thành phố. Đặc biệt giảm ngập nước là 1 trong 7 chương trình đột phá được đưa ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X (nhiệm kỳ 2016 – 2020).
Theo UBND Tp. Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016 – 2020, thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 44 dự án chống ngập với tổng mức đầu tư 5.453 tỷ đồng. Qua đó, góp hạn chế tình trạng ngập nước gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Tính đến nay các tuyến đường trước đây được xem là “”rốn” ngập của thành phố như khu vực vòng xoay Cây Gõ, đường 3/2, Lê Hồng Phong, Kỳ Đồng, Trần Quang Khải, Trần Khắc Chân, Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng, Phan Xích Long, Bình Thới, khu vực bến xe Chợ Lớn, đường Nơ Trang Long, Kinh Dương Vương, Lê Lai, Nguyễn Biểu… đã không còn xuất hiện tình trạng ngập. Đến hết năm 2019, thành phố đã giải quyết được 22/37 tuyến đường ngập, đạt 59,46% so với chỉ tiêu đề ra giai đoạn 2016 – 2020.
Theo ông Lê Hoà Bình, Giám đốc Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh, chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016 – 2020 đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố, nhận được nhiều ý kiến, đóng góp của các chuyên gia trong và ngoài nước.
Vì thế chương trình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tình trạng ngập trên địa bàn thành phố đã được cải thiện đáng kể. Ý thức của người dân tham gia công tác phòng chống ngập nước ngày càng được nâng lên, thành phố cũng đã xây dựng cơ chế thu hút đầu tư lĩnh vực thoát nước theo hình hình thức đối tác công tư (PPP).
Về kết quả cụ thể, trong giai đoạn 2016 – 2020 thành phố đã giải quyết được 25/36 tuyến đường chính ngập do mưa (đạt 69,44% so với chỉ tiêu đề ra); hoàn thành 179/179 tuyến đường hẻm do quận huyện quản lý, hoàn thành thêm 1.164 tuyến hẻm kết hơp chỉnh trang đô thị đồng bộ với hệ thống thoát nước của các tuyến đường chính. Đối với tuyến đường ngập do triều, dự kiến đến cuối năm 2020 thành phố giải quyết được 9/9 tuyến.
Ông Vũ Văn Điệp - Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh cho biết, công tác giảm ngập của thành phố đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Đơn cử, những năm trước, với cường độ mưa là 112,3 mm, thành phố sẽ ngập nhiều tuyến đường, thời gian nước rút chậm (kéo dài 4 - 6 tiếng). Hiện nay, sau khi thành phố đã đầu tư hoàn thành nhiều dự án chống ngập, tình trạng ngập đã được kéo giảm về số tuyến đường, chiều sâu và thời gian ngập, đặc biệt ở khu vực trung tâm thành phố. Trong số 22 tuyến đường bị ngập hiện nay chỉ từ 15 - 40 phút sau mưa là trở lại bình thường, nước cơ bản rút hết.
* Tiếp tục triển khai nhiều dự án lớn
Trong thời gian qua, Tp. Hồ Chí Minh đã và đang triển khai giải pháp công trình với nhiều dự án chống ngập quy mô lớn. Đơn cử, thành phố đã xây dựng hoàn thành  nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát, khởi công xây dựng nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè, đang thi công giai đoạn 2 nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, nhà máy Tây Sài Gòn, Bình Hưng Hoà.

Theo Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh, tính từ năm 2016 đến nay thành phố đã hoàn thành nhiều dự án lớn sử dụng vốn đầu tư công như dự án cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè, hệ thống thoát nước Quốc lộ 1A đoạn từ cầu vượt An Sương đến Nguyễn Văn Quá, xây dựng 4 đoạn đê bao xung yếu khu vực quận Thủ Đức thuộc bờ tả sông Sài Gòn, hệ thống thoát nước đường An Dương Vương (từ cầu Mỹ Thuận đến Bến Phú Định).
Hoàn thành công trình hệ thống Thoát nước Quốc lộ 1A đoạn từ đường Lê Thị Riêng đến Ngã tư Ga, cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương đoạn từ cầu Ông Buông đến Mũi tàu Phú Lâm, công trình thuỷ lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn quận 12, Gò Vấp, huyện Hóc Môn…
Đối với dự án theo hình thức đối tác công tư, hiện dự án Giải quyết ngập do triều khu vực Tp. Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 đã đạt 77% khối lượng xây dựng chính.

Trong khi đó các dự án đã đấu thầu khởi công từ năm 2019 trở về trước, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021 – 2025 gồm dự án nạo vét trục thoát nước rạch Xóm Củi, cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương (đoạn từ mũi tàu Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc, dự án xây dựng hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Tăng (đoạn từ đường Lê Văn Việt đến Nguyễn Xiển).
Đáng chú ý, dự án Vệ sinh môi trường thành phố giai đoạn 2 hiện đang thi công một số gói thầu và tái khởi động gói thầu quan trọng nhất là gói thầu XL-02 (xây dựng nhà máy xử lý nước thả Nhiêu Lộc – Thị Nghè ở quận 2) sau nhiều vướng mắc về thủ tục đấu thầu, đầu tư. Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến sông Vàm Thuật (quận Bình Thạnh, Gò Vấp) có tổng mức đầu tư 8.825 tỷ đồng, dự kiến dự án sẽ trình HĐND thành phố tại kỳ họp đầu tháng 7/2020.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định theo Quy hoạch 1547 và 752 của Thủ tướng Chính phủ nhưng theo các chuyên gia, việc thực hiện 2 quy hoạch này đang diễn ra chậm do nguồn vốn bố trí làm dự án lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Hệ thống sông, kênh, rạch chưa được nạo vét vẫn còn nhiều, hệ thống cấp thoát nước hiện hữu không đáp ứng đủ nhu cầu, chưa kể tình trạng xả rác lấp bít miệng thu.
Trong khi đó, Quy hoạch 752 sắp hết thời hạn quy hoạch (năm 2020) nên vừa qua Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh đã xây dựng nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch tổng thể thoát nước thành phố nhằm giải quyết nhiều vấn đề phát sinh do đô thị hoá vùng ven, yếu tố biến đổi khí hậu cũng như việc huy động nguồn vốn thực hiện./.
Bài 2: "Điệp khúc" mưa là ngập

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục