Nan giải vấn đề triển khai tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương

05:30' - 03/04/2024
BNEWS Được khuyến khích bởi các tổ chức như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), khoảng 130 quốc gia đang khám phá những khái niệm mới, nhằm phát triển CBDC.

Các nhà hoạch định chính sách toàn cầu đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới việc phát triển tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC). Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đã bày tỏ sự lo ngại về việc loại tiền tệ công nghệ mới này có thể gây ra một số vấn đề nghiêm trọng, nếu không được cân nhắc và ban hành các quy định chặt chẽ.

Các chuyên gia từ IMF và BIS cảnh báo cách thức quản lý CBDC còn nhiều "lỗ hổng". Theo lý giải của giới chuyên gia, các ngân hàng trung ương sẽ có quyền kiểm soát tuyệt đối với loại tiền tệ này. Do đó, trách nhiệm pháp lý cụ thể sẽ thuộc về các ngân hàng trung ương. Việc nắm quyền kiểm soát hoàn toàn một loại tiền tệ chưa được thử nghiệm đầy đủ sẽ là thách thức lớn, đặc biệt là trong bối cảnh các nhà quản lý tiền tệ sẽ phải thực thi các quy định thông qua công nghệ.

Đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương

Đầu tiên hãy cùng tìm hiểu về khái niệm CBDC. Trên nguyên tắc đây là một dạng kỹ thuật số của đồng tiền pháp định, do ngân hàng trung ương phát hành và quản lý. Không giống như tiền tệ kỹ thuật số, CBDC có độ tập trung hóa cao hơn và thường giữ trạng thái đấu thầu hợp pháp. Việc phát hành CBDC là nhằm mục đích hiện đại hóa hệ thống thanh toán hiện có, tăng cường tài chính toàn diện, đồng thời cung cấp một phương tiện trao đổi an toàn và hiệu quả.

 
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tiền tệ kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành vẫn có một số mặt trái nhất định. Việc sử dụng CBDC sẽ cho phép chính phủ kiểm soát các giao dịch dễ dàng hơn, thậm chí là cả các thông tin cá nhân của người nắm giữ đồng tiền này. CBDC có thể cho phép các cơ quan và tổ chức chính phủ lập trình các chính sách được nhắm đến các mục tiêu cụ thể, theo dõi cách tiền tệ được sử dụng và những cá nhân sở hữu chúng.

Những khó khăn cản trở

Việc CBDC cho đến nay chưa được thử nghiệm rộng rãi có thể được coi là sự xác nhận cho những lo ngại nói trên. Hơn nữa việc thiếu cơ sở hạ tầng tiện ích rõ ràng cũng là một cản trở. Ví dụ, tình huống ở Nigeria, nơi người dân đã biểu tình để thể hiện sự phản đối về quyết định giảm lượng cung tiền mặt của chính phủ, nhằm mục đích chuyển đổi nền kinh tế 100% không sử dụng tiền mặt thông qua việc triển khai CBDC.

Thái Lan cũng đang tăng cường nỗ lực chuyển đổi phương tiện thanh toán. Nước này đã đưa ra các động thái quyết đoán về mặt tài chính, khuyến khích áp dụng CBDC. Tuy nhiên, kế hoạch phân phối 10.000 đồng bath (288 USD) cho người dân bằng CBDC đã bị trì hoãn, do Bangkok gặp khó khăn trong việc xác định số tiền cần thiết 548 tỷ bath (15,5 tỷ USD) dùng để phân phát cho người dân. Cuối cùng, Thủ tướng Thái Lan cho biết nguồn tài trợ sẽ đến từ các khoản vay của chính phủ.

Ngân hàng Dự trữ Ấn Dộ (RBI) đang tiến hành thí điểm CBDC bán lẻ và bán buôn. Mặc dù công bố kế hoạch từ ngày 1/12/2022, nhưng RBI vẫn chưa thể vạch ra mốc thời gian cụ thể cho việc triển khai CBDC bán lẻ toàn diện. Phong trào không dùng tiền mặt tại nước này – thông qua Giao diện Thanh toán Hợp nhất – đã gặp khó khăn trong việc làm thế nào để có thể xử lý hiệu quả khối lượng giao dịch lớn mỗi ngày.

Trung bình chỉ khoảng 25.000 giao dịch thanh toán trực tuyến có thể được thực hiện mỗi ngày và RBI đang tích cực làm việc để nâng cao hiệu suất xử lý các giao dịch. Mặc dù vẫn còn quá sớm cho việc phủ sóng CBDC ở Ấn Độ, nhưng nhìn chung vẫn có sự lạc quan về tiềm năng của chúng.

Tiềm năng và cơ hội

Không phải tất cả CBDC đều đang gặp khó khăn, minh chứng là Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã triển khai thành công CBDC. Vào năm 2023, sáng kiến e-CNY (đồng nhân dân tệ kỹ thuật số) do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, tức ngân hàng trung ương) phát hành đã đạt được sự tăng trưởng đáng kể. Tổng số giao dịch của đồng tiền này đạt 950 triệu lượt, với giá trị tích lũy là 1.800 tỷ nhân dân tệ (250 tỷ USD) tính đến tháng 6/2023.

Đã có sự phát triển vượt bậc so với năm 2022, khi lần đầu tiên e-CNY ra mắt. Với 120 triệu ví tiền điện tử đã được thiết lập, sự mở rộng của CBDC tại Trung Quốc là một điều hiển nhiên. Đồng tiền điện tử do ngân hàng trung ương phát hành mở ra cơ hội cho việc phổ biến đồng nội tệ của Trung Quốc ở nước ngoài, giảm thiểu rủi ro trừng phạt của phương Tây và thách thức sự thống trị của đồng USD.

Sáng kiến tiền kỹ thuật số Bakong do Ngân hàng Quốc gia Campuchia phát động vào năm 2020 cũng cho thấy một thành công khác của CBDC. Về bản chất, mặc dù giống như mọi CBDC, do các ngân hàng trung ương phát hành và quản lý, nhưng về mặt kỹ thuật, Bakong là một hệ thống tiền gửi được mã hóa (sử dụng token) vì nó hoạt động như là một khoản nợ của các ngân hàng thương mại trong nền kinh tế bị USD hóa mạnh mẽ. Bakong đã tăng trưởng theo cấp số nhân, vượt qua 10 triệu tài khoản, với trọng tâm chính là tăng cường hòa nhập tài chính.

Đến năm 2022, Ngân hàng Quốc gia Campuchia đã giới thiệu hệ thống mã hóa “QR code” hỗ trợ cho Bakong, nhằm chuẩn hóa các giao dịch của hơn 50 thể chế tài chính trong nước. Nhờ nỗ lực hợp tác với hệ thống thanh toán trực tuyến AliPay và UnionPay của Trung Quốc, người dân Campuchia đã có khả năng sử dụng dịch vụ từ các máy thanh toán tự động AliPay lắp đặt ở khắp mọi nơi cả ở Campuchia lẫn nhiều quốc gia khác trên toàn cầu.

Ngân hàng Quốc gia Campuchia cũng theo đuổi việc hội nhập CBDC với các nước láng giềng như Việt Nam, Thái Lan, Lào và đã ghi nhận một số tiến bộ khác nhau. Ngoài Đông Nam Á, Campuchia đang khám phá sự hợp tác CBDC với các ngân hàng trung ương của Fiji, Rwanda và Quần đảo Solomon, báo hiệu một nỗ lực táo bạo nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong các giao dịch quốc tế.

Để triển khai hiệu quả CBDC

Việc đánh giá chính xác những tiềm năng mà CBDC có thể mang lại so với những gì mà loại tiền tệ kỹ thuật số này đã tạo ra trên thực tế hoặc kỳ vọng sẽ cung cấp cho người dùng là rất quan trọng. Hầu hết các dự án CBDC hiện vẫn đang trong giai đoạn ban đầu. Điều cần thiết là phải tính toán chính xác sự thành công của CBDC dựa trên các nguyên tắc như hiệu quả và thúc đẩy tài chính toàn diện, mặc dù bối cảnh đóng một vai trò quan trọng.

Trong khi một số nền kinh tế sẵn sàng áp dụng thanh toán kỹ thuật số thì các quốc gia như Đức vẫn phụ thuộc nhiều vào tiền mặt. Thành công ở một khu vực có thể không nhất thiết đồng nghĩa với thành công ở mọi khu vực khác.

Tuân thủ các nguyên tắc là là điều cần thiết, đặc biệt là khi CBDC sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quyền riêng tư. Một số người đã coi CBDC là mối đe dọa đối với tự do, do đó, tiện ích thực tế của CBDC cần được xem xét nghiêm túc.

CBDC được coi là một giải pháp đang tìm kiếm một vấn đề hơn là một vấn đề đang tìm kiếm giải pháp. Các yếu tố như thiếu kết nối Internet và quy mô sử dụng điện thoại thông minh đặt ra thêm câu hỏi về tính thực tế của việc triển khai CBDC ở nhiều nơi trên thế giới.

Sự thành công của CBDC có thể bắt nguồn từ việc đạt được sự phù hợp với thị trường sản phẩm, một khái niệm phổ biến trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Nếu CBDC thực sự giải quyết được nhu cầu, đồng tiền này tự nhiên sẽ được chấp nhận và thành công. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu và triển khai CBDC, các ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý phải ưu tiên xem xét về vấn đề đạo đức, quyền riêng tư và hiệu quả, bất kể CBDC có thành công hay không.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục