Nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu Việt

12:13' - 07/06/2019
BNEWS Nhiều dự án với tổng mức đầu tư khá lớn, góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở nhiều địa phương vùng sâu vùng xa, tạo thêm việc làm và nâng cao mức sống, chất lượng tiêu dùng ở khu vực nông thôn.
Trong ảnh: Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Nguyễn Dân -TTXVN

Tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, những năm qua, các doanh nghiệp, đơn vị trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương đã chỉ đạo triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm, từng bước xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá cả hợp lý, mẫu mã phù hợp với thị yếu người tiêu dùng, khẳng định thương hiệu hàng Việt Nam.

* Phát huy nội lực, tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm

Thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động này, 33/35 Đảng ủy trực thuộc Đảng bộ Khối có Ban Chỉ đạo Cuộc vận động; 13/35 Đảng ủy đã lập 164 Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tại đơn vị thành viên, cụ thể hóa trong nội dung nghị quyết, kết luận, chương trình công tác hằng năm, nhiệm kỳ, nhằm tập trung chỉ đạo phát huy nội lực, tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, tăng cường sử dụng hàng Việt và ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, đơn vị trong Khối.

Trong 10 năm, các Đảng ủy trực thuộc đã ban hành 937 văn bản lãnh đạo triển khai Cuộc vận động, chỉ đạo doanh nghiệp, đơn vị tổ chức 1.686 hội nghị khách hàng; thực hiện 698 cuộc kiểm tra, giám sát về thực hiện Cuộc vận động và những nội dung liên quan về nghiên cứu, cải tiến, đổi mới công nghệ sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển thương hiệu.

Các Đảng ủy trực thuộc chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị thành viên lập kế hoạch sản xuất, mua sắm đầu tư, trong đó ưu tiên và nâng cao tỷ trọng sử dụng dịch vụ, sản phẩm trong nước...

Nhiều thương hiệu sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiêp, đơn vị trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đã được công nhận là “Thương hiệu mạnh”, “Thương hiệu có giá trị lớn”, được một số tạp chí nước ngoài xếp hạng, Bộ Công Thương công nhận và bạn hàng, đối tác, người tiêu dùng yêu thích.

Những sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp, ngoài việc phục vụ thị trường trong nước, cũng đã vươn ra nhiều nước trên thế giới, đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ về thương hiệu, tạo dựng được uy tín với đối tác và người tiêu dùng, góp phần nâng cao uy tín những sản phẩm dán nhãn "Made in Vietnam", đưa Cuộc vận động đi vào thực chất hơn. Nhiều doanh nghiệp trong Khối đã chủ động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giúp người tiêu dùng trên cả nước được tiếp cận trực tiếp các thương hiệu Việt Nam, có đủ thông tin so sánh, đánh giá về chất lượng hàng Việt.

Trong ảnh: Đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương tặng Cờ của Đảng uỷ Khối cho các tập thể xuất sắc. Ảnh: Nguyễn Dân -TTXVN

Qua quá trình triển khai, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo động lực mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp và người lao động trong việc thay đổi thói quen đầu tư, mua sắm theo hướng ngày càng quan tâm tới các thương hiệu và doanh nghiệp sản xuất trong nước. Nhiều doanh nghiệp đã phấn đấu đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 70%-90%; mua sắm trang thiết bị làm việc tại các trụ sở doanh nghiệp, đơn vị, là hàng sản xuất tại Việt Nam với trên 90% tổng giá trị được đầu tư.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, đơn vị đã chủ động đi đầu trong đổi mới công nghệ, nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh. Các đơn vị đã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về hàng hóa, tư liệu cho sản xuất, tiêu dùng của xã hội và xuất khẩu.

Đội ngũ cán bộ kỹ thuật đã làm chủ công nghệ, nguồn nhân lực trong nước được đào tạo, dần thay thế nguồn nhân lực thuê của nước ngoài. Trong toàn Khối có trên 20.000 công trình, sáng kiến, giải pháp từ các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ trong sản xuất - kinh doanh, dịch vụ, trị giá trên 46 nghìn tỷ đồng, tiết kiệm, làm lợi cho doanh nghiệp, đơn vị hàng nghìn tỷ đồng.

* Đưa hàng Việt đến người tiêu dùng

Những năm qua, các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối đã và đang tích cực xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh quảng bá, truyền thông, chú trọng các kênh phân phối để người tiêu dùng biết đến sản phẩm của mình.

Hoạt động đầu tư mở rộng, phát triển thị trường nội địa đã được chỉ đạo, nghiên cứu, tổ chức thực hiện có kết quả. Một số doanh nghiệp chủ động tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư ở các vùng trọng điểm kinh tế như: Vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An...

Nhiều dự án đăng ký với tổng mức đầu tư khá lớn, góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở nhiều địa phương vùng sâu vùng xa, tạo thêm việc làm và nâng cao mức sống, chất lượng tiêu dùng ở khu vực nông thôn. Một số tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối đã có đóng góp lớn vào đầu tư xây dựng, đảm bảo chất lượng và tiến độ, khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả nhiều công trình dự án, sản phẩm trọng điểm của quốc gia trong các lĩnh vực: Viễn thông, thủy điện, khai thác dầu khí, cung cấp điện cho các vùng biên giới và hải đảo, hạ tầng giao thông, cảng biển, đường sắt...

Các doanh nghiệp, đơn vị đã chủ động phối hợp với địa phương phát triển mạng lưới phân phối, bán hàng; khuyến khích các thành phần kinh tế của địa phương liên doanh, liên kết mở rộng kênh phân phối, tổ chức thu mua, chế biến, tiêu thụ hàng hóa…

Nhiều doanh nghiệp trong Khối tích cực tham gia Tuần lễ hàng Việt và đưa hàng Việt về nông thôn; bán hàng trong các khu công nghiệp, khu chế xuất; làm tốt công tác xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm hàng Việt đi đôi với tăng cường các biện pháp ổn định thị trường, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông thông suốt, thực hiện các cam kết bảo vệ người tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư ở các nước Liên bang Nga, vùng châu Phi, châu Mỹ, châu Âu, châu Á... trong các lĩnh vực: khai thác dầu khí, khai thác chế biến khoáng sản, chế biến gỗ, cao su; dịch vụ ngân hàng tín dụng… thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hưởng ứng chủ trương đẩy mạnh Cuộc vận động đi vào thực chất, hiệu quả.

*Chung tay nâng tầm thương hiệu Việt

Trước yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các doanh nghiệp Nhà nước đang đứng trước cơ hội và thách thức về sức cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đòi hỏi các cấp ủy tiếp tục tập trung lãnh đạo doanh nghiệp, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội phát huy thành tựu đạt được trong quá trình phát triển, đổi mới và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, chủ động, tích cực hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Các cấp ủy đảng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, gắn với Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, của Đảng ủy Khối nhằm “Chung tay nâng tầm thương hiệu Việt”.

Trong đó, người đứng đầu cấp ủy, doanh nghiệp nêu cao vai trò gương mẫu trong mua sắm, ưu tiên sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt; tăng cường quảng bá hàng hóa, dịch vụ, góp phần để mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động và doanh nghiệp nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi trong sử dụng hàng Việt.

Bên cạnh đó, các đơn vị trong Khối thực hiện chủ trương tiếp cận nguồn vốn, khoa học công nghệ, tiếp thị với một chi phí hợp lý, thời gian ngắn nhất, tạo tiền đề cho việc nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, giảm bớt khâu trung gian, từng bước “chinh phục” thị trường, cũng như đối tác và người tiêu dùng, đóng góp tích cực vào phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước và doanh nghiệp.

Doanh nghiệp, đơn vị trong Khối chủ động đi đầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong nước ở tất cả các khâu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất, cùng nhau “nâng tầm thương hiệu Việt”, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia... Các doanh nghiệp phát huy thế mạnh trên các lĩnh vực hoạt động, tăng cường hợp tác, hỗ trợ, cùng phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu trở thành đối tác chiến lược của nhau trên cơ sở quy định của pháp luật, phù hợp với khả năng và đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối tiếp tục phối hợp với một số bộ, ngành, địa phương tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, hội thảo quốc tế về đổi mới, phát triển doanh nghiệp, các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, giúp người tiêu dùng nhận thức đúng chất lượng hàng hóa thương hiệu Việt.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục