Nâng cao năng lực chuyển giao công nghệ và tri thức cho các trường đại học

20:05' - 09/04/2019
BNEWS Chuyển giao công nghệ và tri thức là xu thế tất yếu mà các trường đại học đang rất quan tâm để phát triển chiến lược, kế hoạch trong thời gian tới.
Tọa đàm với chủ đề “Hệ sinh thái chuyển giao công nghệ và tri thức: Cơ hội và thách thức” vừa được tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: Việt Hà/BNEWS/TTXVN

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vừa tổ chức tọa đàm với chủ đề “Hệ sinh thái chuyển giao công nghệ và tri thức: Cơ hội và thách thức”, tạo diễn đàn để các trường đại học, doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách trao đổi, hợp tác để thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ và tri thức.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Dự án VETEC (Vietnamese – European Knowledge and Technology Transfer Education Consortium) thuộc Chương trình Erasmus+ Key Action 2 (hợp phần nâng cao năng lực giáo dục đại học) do Liên minh châu Âu tài trợ với tổng ngân sách được phê duyệt là 712.014 Euro (hơn 17,5 tỷ đồng).

Mục tiêu của dự án nhằm tạo ra mạng lưới phát triển đào tạo chuyển giao công nghệ - tri thức giữa châu Âu và Việt Nam. Các đối tác chính tham gia dự án gồm 3 trường đại học tại Việt Nam (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Huế, Đại học Cần Thơ) và 3 trường đại học tại châu Âu (Đại học Tự do Brussel, Bỉ; Đại học Kỹ thuật Dresden, Đức; Đại học Aveiro, Bồ Đào Nha). Bên cạnh đó còn 7 thành viên hỗ trợ khác, trong đó có Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh: Chuyển giao công nghệ và tri thức là xu thế tất yếu mà các trường đại học đang rất quan tâm để phát triển chiến lược, kế hoạch trong thời gian tới. Chia sẻ của các doanh nghiệp và bộ, ngành trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ tại tọa đàm sẽ giúp các trường đại học Việt Nam cập nhật được thông tin hữu ích mà hiện nay các trường chưa đáp ứng được trong nhu cầu đổi mới công nghệ.

Về dự án VETEC, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đánh giá cao hiệu quả thực hiện dự án của các trường đối tác, đặc biệt là nỗ lực phát triển hợp tác và kết nối từ chính trường điều phối – Đại học Tự do Brussel (Bỉ), các trường châu Âu nói chung và sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu trong khuôn khổ chương trình Erasmus +.

Trên cơ sở khảo sát năng lực hiện tại về chuyển giao công nghệ - tri thức và đào tạo nâng cao năng lực cho gần 30 cán bộ của 3 trường thành viên (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Huế và Đại học Cần Thơ), các trường đã nhận thức được một số mô hình chuyển giao công nghệ, đánh giá được nhu cầu, phân tích được lợi thế, thách thức của mô hình chuyển giao công nghệ - tri thức tại trường mình với sự hỗ trợ của các chuyên gia châu Âu sau hơn 2 năm thực hiện.

Thảo luận tại tọa đàm, các cán bộ đến từ một số trường đại học tại châu Âu và các doanh nghiệp đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong việc hình thành hệ sinh thái chuyển giao công nghệ tại các trường đại học ở châu Âu, chính sách của các nước, góc nhìn của doanh nghiệp trong chuyển giao công nghệ… Qua đây, các trường đại học của Việt Nam cũng nêu lên thách thức trong mô hình chuyển giao công nghệ thực tế tại các trường để cùng tìm ra giải pháp thực hiện có hiệu quả mô hình này.

Dự án VETEC được thực hiện trong 3 năm (từ tháng 9/2016 đến tháng 9/2019). Với các thế mạnh trong nghiên cứu và sáng tạo của các đối tác ở Việt Nam,

đồng thời, khi các trường được cập nhật kiến thức và kinh nghiệm về năng lực chuyển giao công nghệ -tri thức từ các chuyên gia châu Âu, các trường thành viên được kỳ vọng sẽ có những bước phát triển tích cực. Kết quả của dự án sẽ được ứng dụng rộng rãi để phát triển các chương trình đào tạo chuyển giao công nghệ và tri thức tại các trường đại học của Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục