Nâng cao uy tín và giá trị cà phê Việt

15:10' - 27/04/2023
BNEWS Ngày 27/4, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức hội thảo “5 năm thi cà phê đặc sản Việt Nam” với dự tham của lãnh đạo các sở, ngành liên quan, chuyên gia, nhà khoa học, hợp tác xã và doanh nghiệp.

Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam - Việt Nam Amazing Cup được tổ chức hàng năm, lần đầu tiên tổ chức tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019.

Việc tổ chức cuộc thi nhằm phát hiện, tôn vinh lô cà phê và đơn vị sản xuất cà phê đặc sản; kết nối nhà rang, nhà thương mại với đơn vị sản xuất cà phê đặc sản; phát triển thị trường, nâng cao giá trị cà phê đặc sản của Việt Nam.

 

Đồng thời, giới thiệu cà phê đặc sản đến người tiêu dùng và tạo động lực cho người sản xuất cà phê quan tâm nâng cao chất lượng. Qua 5 năm (2019 - 2023) tổ chức, Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam đã thu hút 207 lượt đơn vị tham gia, với 339 mẫu/lô hàng dự thi; kết quả có 250 mẫu đạt chất lượng cà phê đặc sản theo thang điểm quốc tế.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột Trịnh Đức Minh cho biết, khởi nguồn từ khát vọng nâng cao uy tín, giá trị hạt cà phê Việt Nam, 10 năm trở lại đây, tại Việt Nam xuất hiện một số nhà sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp, cá nhân, đơn vị không ngừng tìm kiếm, thử nghiệm nhiều giải pháp, mô hình nhằm từng bước phát triển sản phẩm và thị trường cà phê đặc sản.

Từ năm 2019 đến nay, tuy trải qua nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch COVID-19, song cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam được duy trì tổ chức nghiêm túc, thích ứng linh hoạt, bảo đảm đúng theo quy chế; quy mô tăng dần hàng năm và đáp ứng nhu cầu phát triển phân khúc thị trường cà phê đặc sản.

Cuộc thi đã tạo nên những tác động tích cực về sinh kế người sản xuất cà phê, chất lượng sản phẩm, kết nối thương mại, giá trị hình ảnh chất lượng cà phê Việt Nam, phát triển cộng đồng, phát triển ngành nghề.

Qua các cuộc thi cho thấy, tất cả vùng trồng cà phê ở Việt Nam đều có tiềm năng làm cà phê đặc sản, trong đó tỉnh Đắk Lắk chứng tỏ ưu thế trong phát triển cà phê đặc sản cả về số lượng lẫn chất lượng cà phê Robusta; chênh lệch giữa các vùng dần rút ngắn lại, kiến thức sản xuất cà phê đặc sản đã được lan rộng.

Tuy nhiên, việc kết nối, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm cà phê đặc sản Việt Nam chưa đủ tầm; nguồn tài lực còn hạn chế; thiếu cơ sở hạ tầng và nhân lực cho hoạt động tập huấn, đào tạo, đánh giá chất lượng…

Tại hội thảo, đại diện doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý đã thảo luận một số vấn đề như chất lượng cà phê đặc sản Việt Nam qua 5 lần thi; các giải pháp và kết quả quảng bá, thương mại cà phê đặc sản từ các cuộc thi; giống cà phê có tiềm năng sản xuất cà phê đặc sản; một số phương pháp mới trong chế biến cà phê.

Đa số đại biểu đánh giá cao về hiệu quả mà cuộc thi mang lại trong việc phát triển ngành hàng cà phê đặc sản Việt Nam; đồng thời quan tâm đến vấn đề cây giống phục vụ cho sản xuất, chế biến cà phê đặc sản; hệ thống thiết bị máy móc nội địa sản đã đáp ứng được nhu cầu phục vụ cho chế biến, rang xay, pha chế cà phê đặc sản trong nước.

Theo ông Lê Trung Hưng, Trưởng đại diện InterKom S.p.A tại Việt Nam, dựa trên số liệu 5 năm của cuộc thi, các bộ, ngành, địa phương cần có nhiều giải pháp hỗ trợ ngành hàng cà phê đặc sản Việt Nam phát triển như đào tạo thêm cho nông nhân về canh tác, chế biến cà phê đặc sản; tổ chức các chương trình quảng bá cà phê đặc sản Việt Nam.

Cùng đó, các bộ, ngành, địa phương cần truy nguyên nguồn gốc, các tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng và giống cà phê đang được trồng ở các vùng trồng đạt giải cao để nhân rộng; thiết lập, vận hành các trung tâm đào tạo về cà phê ở vùng nguyên liệu và nơi tiêu thụ với giá thấp để khuyến khích người làm trong chuỗi giá trị cà phê nâng cao kiến thức./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục