Nâng chất lượng thực thi

09:54' - 27/03/2024
BNEWS Năm 2024, doanh nghiệp vẫn tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn cả bên trong và bên ngoài. Khi đối mặt với những khó khăn như vậy, các doanh nghiệp kỳ vọng môi trường kinh doanh tiếp tục thuận lợi.

Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu năm, Chính phủ đã thể hiện tính trách nhiệm, chủ động, kịp thời khi ban hành liên tiếp Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 (Nghị quyết 01) và Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết 02).

 

Để cùng tìm hiểu về những nội dung chủ đạo của Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 của Chính phủ và các giải pháp để thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2024, phóng viên Kinh tế Việt Nam và Thế giới đã thực hiện chùm phỏng vấn chuyên gia và các doanh nghiệp liên quan.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Ngay từ đầu năm 2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01 và 02. Nhìn số hiệu nghị quyết đã cho thấy tính ưu tiên nội dung của hai nghị quyết này. Nghị quyết 01 là nghị quyết thường kỳ nhiều năm về những nhiệm vụ giải pháp trọng tâm mà các bộ ngành, địa phương cần thực hiện trong năm 2024.

Nghị quyết 02 là nghị quyết riêng dành cho cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam. Nghị quyết 02 năm nay là sự trở lại của năm 2022 và trước đó. Nội dung của nghị quyết có đầu tiên từ năm 2014 với tên gọi là Nghị quyết 19. Nghị quyết này được thực hiện liên tục sau này đổi thành Nghị quyết 02, nhưng cũng đã thực hiện thường kỳ trong 10 năm nay.

Năm 2024 là một năm tăng tốc bứt phá, được coi là năm bản lề trong phát triển kinh tế và phát triển cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, các nhóm nhiệm vụ của Nghị quyết 01 và 02 tập trung vào nội dung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tương đối nhiều.

Trong Nghị quyết 01 có những nhóm giải pháp cấp bách, trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng cũng có những nhóm giải pháp xây dựng mang tính nền tảng tạo bệ đỡ cho sự phát triển kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững như hướng tới nền kinh tế xanh, nền kinh tế sáng tạo…

Năm 2024, doanh nghiệp vẫn tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn cả bên trong và bên ngoài. Khi đối mặt với những khó khăn như vậy, các doanh nghiệp kỳ vọng môi trường kinh doanh tiếp tục thuận lợi hơn. Điều này có nghĩa là kỳ vọng vào quá trình thực hiện Nghị quyết 01, đặc biệt là Nghị quyết 02. Những chủ trương của Chính phủ đề ra trong Nghị quyết 02 rất tích cực, hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp. Nhưng điều quan trọng là làm sao thực thi nghị quyết một cách hiệu quả. Tôi cho rằng cần có sự chủ động sáng tạo hơn nữa từ các bộ ngành, địa phương. Bởi lẽ Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt với các giải pháp rõ ràng nhưng sự chuyển động của các bộ ngành, địa phương cũng có nơi, có lúc, chưa thực chất. Chính vì vậy, từ khóa trong năm 2024 là “nâng cao chất lượng thực thi”.

Ông Bùi Văn Thành, Luật sư trưởng Văn phòng Luật sư Mặt trời mới, Phó Chủ tịch Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp

Xét ở góc độ doanh nghiệp chúng tôi rất phấn khởi bởi Nghị quyết 01 và 02 được ban hành rất sớm ngay từ đầu năm 2024. Chúng tôi cũng kỳ vọng nhiều vào các giải pháp, chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Ở góc độ chuyên gia pháp lý, chúng tôi cũng đánh giá cao và quan tâm tới các giải pháp hoàn thiện thể chế, các giải pháp liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Có thể thấy nhiều trọng tâm chỉ đạo, điều hành năm 2024 của Chính phủ hướng đến môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, tháo gỡ các rào cản để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, bứt phá, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng chung. Nếu triển khai có hiệu quả, Nghị quyết 01, 02 sẽ là động lực, là "chìa khoá" quan trọng mở ra những cánh cửa để thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2024.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết, theo tôi trước hết cần tiếp tục nỗ lực hoàn thiện thể chế. Đây là công việc chung của cả hệ thống chính trị và đòi hỏi được thực hiện liên tục. Các cơ chế chính sách cần đảm bảo sự công bằng, minh bạch cho tất cả các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Minh Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Công nghệ thiết bị Tân Phát

Nghị quyết 01, 02 với nhiều nhóm giải pháp hướng đến tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phục hồi và phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững các loại thị trường, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Nghị quyết của Chính phủ đã đề ra các nhóm giải pháp rất cụ thể. Điều quan trọng là chính sách hỗ trợ cần đi ngay vào cuộc sống, vì hiện nay, tình hình chung của doanh nghiệp đang rất khó khăn. Theo tôi, Chính phủ cần tiếp tục các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhất là các chính sách về thuế và lãi suất. Chính phủ nên kéo dài thời gian giảm thuế VAT tới hết năm 2024 thậm chí có thể kéo dài hơn nữa nhằm hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp. Các chính sách này có thể giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi để bắt kịp đà tăng trưởng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục