Nâng chất nguồn nhân lực: Làm chủ các kỹ năng mới

08:48' - 18/03/2018
BNEWS Làm thế nào để nâng cao chất lượng nguồn lao động là nội dung được Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Quân chia sẻ với phóng viên TTXVN.
Giờ học may của các học sinh trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật và Thủ công mỹ nghệ truyền thống. Ảnh: Diệp Trương - TTXVN
Nguồn lao động trẻ dồi dào là lợi thế lớn của Việt Nam, bởi đây là lực lượng có khả năng hấp thụ tốt nhất về khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, trong nền công nghiệp 4.0 với sự mở rộng ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin, điều khiển, tự động hóa, kết nối vạn vật..., Việt Nam đang đứng trước nhiều vấn đề về nguồn lao động chất lượng cao nhằm đáp ứng với tình hình mới. Làm thế nào để nâng cao chất lượng nguồn lao động là nội dung được Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Quân chia sẻ với phóng viên TTXVN. 

Phóng viên: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0) đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới và ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam; trong đó nguồn nhân lực là một trong những vấn đề bị tác động mạnh. Xin Thứ trưởng đánh giá về thực trạng nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và cuộc cách mạng 4.0 sẽ tác động như thế nào đến nguồn nhân lực nước ta? 

Thứ trưởng Lê Quân: Mặc dù mới xuất hiện gần đây, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tiến triển rất nhanh và tác động đến nhiều mặt kinh tế và xã hội. Với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, xuất hiện ngày càng nhiều robot và các hệ thống tự động hóa, sử dụng rộng rãi công nghệ thông tin, dữ liệu số lớn và trí tuệ nhân tạo, nhiều hoạt động của con người sẽ được thay thế bằng máy móc và các hệ thống tự động. 

Phải khẳng định, đây là cơ hội rất tốt mà chúng ta phải nắm bắt để phát triển các ngành nghề, lĩnh vực mới, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trên thế giới. 

Trong bối cảnh đó, có thể thấy cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đặt ra những thách thức lớn đối với nguồn nhân lực nước ta. Theo điều tra mới nhất về lao động, việc làm của Tổng cục Thống kê, tính đến quý 3 năm 2017, lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ mới chỉ đạt gần 22% tổng lực lượng lao động, với khoảng 12,07 triệu người; trong đó, có 5,4 triệu người có trình độ đại học trở lên, 1,8 triệu người trình độ cao đẳng, 2,82 triệu người trình độ trung cấp và 1,05 triệu người trình độ sơ cấp nghề. 

Đáng lưu ý là lao động được đào tạo trong các ngành kỹ thuật-công nghệ còn chiếm tỷ trọng thấp. Chúng ta đang thiếu hụt lao động có trình độ kỹ thuật cao, công nhân lành nghề, đặc biệt là cho các ngành trọng điểm như: cơ khí, điện tử, kỹ thuật điện, cũng như nhân lực trình độ cao làm việc trong các ngành, các lĩnh vực. Điều này tác động mạnh tới tốc độ tăng trưởng cao và bền vững trong bối cảnh hội nhập như: chuyên gia dự báo, tư vấn pháp luật quốc tế, chuyên gia cấp cao về quản trị doanh nghiệp, tài chính, ngân hàng, thương mại quốc tế; các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, điều khiển và tự động hoá, công nghệ sinh học, năng lượng nguyên tử, năng lượng tái tạo. 

Nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, bên cạnh những cơ hội, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng tạo ra nguy cơ mất việc làm hàng loạt ở những ngành nghề lĩnh vực yêu cầu trình độ tay nghề thấp, lao động giản đơn và lặp lại như lao động nông nghiệp, sản xuất dây chuyền trong ngành chế biến, chế tạo. Những thay đổi nhanh chóng của công nghệ cũng làm cho các kỹ năng trở nên lỗi thời nhanh hơn. Những quan niệm về nghề nghiệp, ổn định nghề nghiệp theo truyền thống sẽ dần dần thay đổi. 

Ngoài những tác động đối với việc làm, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng sẽ có những tác động mang tính đột phá đối với hoạt động của thị trường lao động, giáo dục đào tạo, chính sách xã hội nhằm đảm bảo công bằng xã hội, hạn chế phân hóa thu nhập, bất bình đẳng và đảm bảo an sinh xã hội. 

Phóng viên: Trước thực trạng đó, theo Thứ trưởng, người lao động sẽ phải thay đổi như thế nào để thích ứng trước yêu cầu mới? 

Thứ trưởng Lê Quân: Theo tôi, người lao động cần phải làm chủ được các kỹ năng phù hợp với những công việc mới và luôn thay đổi. Mỗi người cần lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực sở trường của mình. Người lao động cần chuẩn bị cho các tình huống thay đổi việc làm và cần làm chủ được các kỹ năng mới. Phải thay đổi cả quan niệm về nghề nghiệp và ổn định nghề nghiệp. Đồng thời, tính năng động và sáng tạo, linh hoạt sẽ được đề cao. 

Bên cạnh đó, mỗi người lao động cần thấm nhuần phương châm "Học tập suốt đời", phải luôn nhận thức về yêu cầu nâng cao năng lực và thay đổi kỹ năng để thích nghi với công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu công việc. Chính phủ và các doanh nghiệp cần tạo ra nhiều cơ hội hơn để người lao động có thời gian, động lực và phương tiện trong tìm kiếm cơ hội đào tạo, đào tạo lại và tái thích ứng. 

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, năng suất lao động thấp đang là vấn đề thách thức của Việt Nam để sẵn sàng cho một giai đoạn mới dựa trên nền tảng khoa học công nghiệp 4.0. Nhằm bù đắp được việc thiếu hụt đó, Việt Nam cần phải có chiến lược lâu dài như thế nào, thưa Thứ trưởng? 

Thứ trưởng Lê Quân: Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các doanh nghiệp tăng cường nghiên cứu, dự báo những tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tới lao động việc làm trong từng lĩnh vực, ngành nghề làm cơ sở để xác định và trang bị cho người lao động những kỹ năng cần thiết. Từ đó đáp ứng yêu cầu chuyển đổi công nghệ, cũng như cung cấp thông tin, định hướng cho việc lập kế hoạch, đổi mới giáo dục đào tạo trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. 

Đổi mới một hệ thống giáo dục, đào tạo năng động và linh hoạt là yêu cầu sống còn để khắc phục những thiếu hụt về kỹ năng, cũng như điều chỉnh và thích nghi nhanh chóng với nhu cầu về kỹ năng lao động cao hơn do tiến bộ của khoa học và công nghệ đặt ra. 

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung đầu tư cho cả hai hệ đào tạo. Thứ nhất là đào tạo mới lao động có chuyên môn kỹ thuật. Theo đó, chuẩn bị cho nền kinh tế (quan trọng là cho các ngành kinh tế mũi nhọn) một thế hệ lao động trẻ có kỹ năng, có khả năng hoạt động lâu dài, có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu của cách mạng khoa học công nghệ. 

Thứ hai là đào tạo lại, đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động đang làm việc. Cụ thể như tiếp tục đào tạo để có những lao động kỹ thuật có trình độ tay nghề cao hơn, đáp ứng yêu cầu của tiến bộ khoa học – công nghệ. Đào tạo lại, đào tạo nâng cao được tiến hành bằng 3 hình thức. Đó là tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tại các trường, lớp của doanh doanh nghiệp; đào tạo kèm cặp tại chỗ trong sản xuất. 

Hiện nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang đẩy nhanh quy hoạch lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014. Bên cạnh đó, ưu tiên đổi mới chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu về những kỹ năng mới, tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu của các ngành/doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. 

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục